Đạo diễn Lý Minh Thắng: Phim của tôi trước hết phải thuần Việt

HỒNG LIÊN| 11/02/2018 06:56

Nhập cuộc khi thị trường điện ảnh có dấu hiệu bão hòa, Lý Minh Thắng đã chọn đường đi riêng với các phim có kịch bản mang yếu tố văn hóa, khai thác sâu về thân phận con người.

Đạo diễn Lý Minh Thắng: Phim của tôi trước hết phải thuần Việt

Lý Minh Thắng đang chỉ đạo một cảnh quay

"Dù vẫn còn đang tìm đường đi nhưng tôi luôn khát khao mỗi bộ phim của mình trước hết phải thuần Việt", Lý Minh Thắng chia sẻ.

Được xem là nhà sản xuất kiêm đạo diễn trẻ, nhưng thực tế Lý Minh Thắng đã có nhiều năm lăn lộn trong vai trò phó đạo diễn và giám sát sản xuất của nhiều phim "ăn khách" như Vòng eo 56, Hot boy nổi loạn, Ngôi nhà hạnh phúc...

Mặc dù điện ảnh không phải là chuyên ngành đào tạo ban đầu của Lý Minh Thắng, vì anh tốt nghiệp ngành mỹ thuật công nghiệp của Đại học Kiến trúc TP.HCM năm 2004, nhưng mê làm phim quảng cáo nên anh quyết định học tiếp ngành đạo diễn điện ảnh của Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

Link bài viết

Ngay năm học đầu tiên, phim ngắn Hoa cải về trời của anh đã đoạt giải Cánh diều bạc Liên hoan Phim ngắn 2007. Khi tích lũy được chút kinh nghiệm và sự tự tin, Lý Minh Thắng xin theo Vũ Ngọc Đãng làm phó đạo diễn và may mắn được làm phim nhựa và phim truyền hình. Sau khi ra trường vào năm 2010, Lý Minh Thắng bắt đầu lên ý tưởng kịch bản và tìm dự án cho riêng mình.

Trải qua không ít khó khăn của một "lính mới", 5 năm sau, màn "chào sân" là phim Sài Gòn, anh yêu em (đồng đạo diễn kiêm nhà sản xuất) đã ẵm ngay được giải Phim truyện điện ảnh hay nhất của Cánh diều vàng 2016 cùng một số giải cá nhân khác. Mới nhất, bộ phim Mẹ chồng do Lý Minh Thắng làm đạo diễn cũng tạo được hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả về mức độ đầu tư và chất lượng tác phẩm.

Thế nhưng, nếu lần đầu gặp Lý Minh Thắng, nhiều người sẽ ngạc nhiên, bởi anh không có dáng vẻ của một "vua trường quay" vốn được xem là xốc vác, hay "hét ra lửa". Ở Lý Minh Thắng luôn toát lên vẻ điềm đạm, chững chạc, tinh tế và chân thành.

* Hiện nay Lý Minh Thắng được đánh giá là một trong số ít đạo diễn và nhà sản xuất trẻ thích kể những câu chuyện về thân phận con người dưới góc nhìn thuần Việt. Tại sao anh lại chọn lối đi này?

- Tôi gia nhập làng điện ảnh hơi muộn và vào đúng thời điểm "nhà nhà làm phim". Thế nên, đã xác định đi đường dài thì tôi cần phải chọn một lối đi riêng. Nói thật là tôi học hỏi và chịu ảnh hưởng nhiều từ đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - người đã có tiếng tăm trong dòng phim khai thác sâu vào số phận con người, nhưng tôi còn muốn gắn với những yếu tố văn hóa hay tôn vinh giá trị truyền thống để mong tạo nên dấu ấn riêng.

Tôi nghĩ, khi ta có câu chuyện về thân phận con người hấp dẫn và biết khéo léo gắn kết một số yếu tố văn hóa Việt đã được chắt lọc vào thì bộ phim sẽ trở nên gần gũi và dễ đồng cảm hơn với khán giả.

* Nhưng làm phim có yếu tố văn hóa hay tôn vinh giá trị truyền thống thì vẫn phải bắt kịp nhịp sống hiện đại, nếu không sẽ khó giải được "bài toán" khán giả trong thị trường phim Việt hiện nay?

- Đó cũng là điều khiến tôi trăn trở bấy lâu nay. Tôi ấp ủ, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, nhưng cũng không muốn xa rời nhịp sống hiện đại. Chúng giống như nội dung và hình thức phải tồn tại và phát triển song song vậy. Tuy nhiên, về nội dung, bản thân người đạo diễn và nhà sản xuất phải tỉnh táo để cân đối các yếu tố trong từng dự án phim.

Chẳng hạn, với những thể loại phim hài và tình cảm, thậm chí là phim hành động, chúng ta vẫn có thể lồng ghép những yếu tố văn hóa truyền thống. Điều quan trọng là tìm được chất liệu phù hợp để đưa vào phim. Các phim Sài Gòn, anh yêu em, Lô tô, Mẹ chồng... đã thể hiện được cách giải bài toán cân bằng giữa yếu tố văn hóa và nhịp sống hiện đại của chúng tôi.

Chân dung nhà sản xuất - đạo diễn Lý Minh Thắng

Chân dung nhà sản xuất - đạo diễn Lý Minh Thắng

* Hiện đang có 3 xu hướng: làm phim với kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học, kịch bản "remake" (chuyển thể từ kịch bản nước ngoài) và tự viết kịch bản. Anh sẽ chọn theo xu hướng nào?

- Ngay từ đầu cho đến nay, định hướng chọn kịch bản của tôi vẫn nằm trong 2 chữ "thuần Việt" cho dù phim thuộc thể loại nào. Thực ra, với nguồn kịch bản vô cùng khan hiếm như hiện nay, những người làm phim chúng tôi không có nhiều lựa chọn để câu nệ phải theo xu hướng nào. Điều cốt lõi là làm sao để có được một câu chuyện phim đủ hấp dẫn và có sức lôi cuốn khán giả. Tuy nhiên, riêng tôi vẫn muốn có được nguồn kịch bản tự viết về những đề tài mình tâm đắc.

* So với cách nay 2 năm, bây giờ làm phim Việt quả là "trầy trật" với nhà sản xuất và đạo diễn, bởi kinh phí tăng cao và luôn khó nắm bắt thị hiếu khán giả, khiến chuyện bán vé cũng đầy may rủi. Đứng ở 2 vai trò nhà sản xuất và đạo diễn, anh đã làm thế nào?

- Tôi nghĩ, ở thời điểm nào cũng có những khó khăn riêng đối với những nhà sản xuất và đạo diễn luôn quan tâm tới thị hiếu của khán giả và chất lượng bộ phim. Khi là đạo diễn, tôi luôn suy nghĩ và đưa ra nhiều giải pháp để có thể hạn chế tới mức thấp nhất rủi ro cho nhà đầu tư sản xuất mà vẫn đảm bảo chất lượng phim tốt nhất có thể theo mong muốn của mình.

Còn khi là nhà sản xuất, tôi nghĩ sản xuất phim chất lượng với số vốn hợp lý cũng là một cách sáng tạo, trong cái khó chúng ta mới suy nghĩ nhiều hơn và tìm ra được giải pháp tối ưu hơn. Thật may mắn là các bộ phim tôi tham gia theo thời gian đều tăng dần về ngân sách và quy mô đầu tư cũng như chất lượng và doanh thu phòng vé.

* Được biết, anh quan niệm không thể thiếu yếu tố đấu tranh nội tâm và tính nhân văn trong tất cả các thể loại phim?

- Theo tôi, phim phải phản ánh cuộc đời và phải có sức sống. Điều cốt lõi để giúp bộ phim "sống" dài hơn chính là tạo được sự âm ỉ, không thoát khỏi sau khi xem phim, kích thích được khán giả phải suy nghĩ hay nhìn lại bản thân. Nội tâm của con người vừa bí ẩn, vừa thú vị, sự đấu tranh nội tâm đó tạo kịch tính và mạch hấp dẫn cho câu chuyện phim.

Và để dẫn dắt, định hướng cho nội tâm đó thì cần một lý tưởng, một mục tiêu mà tính nhân văn là xương sống để phát triển và kết thúc, đem lại sự trọn vẹn cho câu chuyện.

Hướng thiện là điều tốt đẹp trong tính cách của mỗi con người. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng chuyển tải những điều này trong các tác phẩm mình đã làm và sắp làm, như một định hướng riêng.

* Giới làm phim Việt đã và vẫn đang loay hoay tìm cách giải "bài toán" khó về tính nghệ thuật và tính thị trường cho tác phẩm của mình. Còn anh thì sao, mỗi khi xây dựng một dự án phim mới?

- Tôi chưa bao giờ đặt ra ranh giới giữa nghệ thuật và thị trường. Tôi chọn cảm xúc là thước đo để đến với khán giả bên cạnh nội dung chất lượng và hình thức thể hiện hấp dẫn. Đối với tôi, phim ảnh phải phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả, chứ không phải chỉ bó hẹp trong một bộ phận khán giả nào đó.

Trình độ thưởng thức phim ảnh và thị hiếu của khán giả bây giờ khá cao và đa dạng, họ không chỉ đòi hỏi phim phải có nội dung hấp dẫn, gần gũi với đời sống và dễ đồng cảm, mà còn phải có tính nghệ thuật, chẳng hạn như các cảnh quay, diễn xuất của diễn viên, âm nhạc, thậm chí cả trang phục... phải chỉn chu, có sự đầu tư kỹ lưỡng.

* Anh nghĩ thế nào về việc xây dựng thương hiệu đạo diễn - nhà sản xuất tử tế cho chính mình?

- Tôi luôn quan niệm, đạo diễn là người nói chuyện với khán giả bằng phim của mình, chứ không phải để cá nhân tỏa sáng. Bộ phim chính là sản phẩm để khán giả nhớ tới, còn đạo diễn chỉ là người đứng sau hậu trường, máy quay để kể câu chuyện bằng cảm xúc. Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được sống với đam mê của mình.

Còn muốn xây dựng thương hiệu thì phim làm ra phải tử tế với khán giả, nhà sản xuất phải tử tế với ekip, và đạo diễn phải tử tế với câu chuyện phim của mình. Nói chung, cứ đi từng bước chậm mà chắc, kiên trì với lựa chọn riêng thì ngày nào đó mọi cánh cửa đều sẽ mở ra. Hiện tôi đang triển khai2 dự án phim cho năm 2018 và vẫn theo đuổi định hướng riêng đã khai mở của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đạo diễn Lý Minh Thắng: Phim của tôi trước hết phải thuần Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO