Chuyện về "người đặt gạch" Ngô Thanh Vân

LÊ ANH| 02/02/2017 06:35

Điều dũng cảm nhất là bạn nhận ra được mình là ai, muốn làm gì và muốn đi đến đâu" - Ngô Thanh Vân đã viết như thế, khi đang dốc sức tập luyện để tham gia một bộ phim điện ảnh của Hollywood.

Chuyện về

"Điều dũng cảm nhất là bạn nhận ra được mình là ai, muốn làm gì và muốn đi đến đâu", Ngô Thanh Vân đã viết như thế, khi đang dốc sức tập luyện để tham gia một bộ phim điện ảnh của Hollywood.

Đọc E-paper

Mình không làm thì ai làm

Trở về từ Na Uy để lập nghiệp ở quê hương, sau khi giành được danh hiệu Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Ngô Thanh Vân bước vào làng giải trí.

Hơn 10 năm qua, Vân đã trải qua nhiều vị trí công việc: người mẫu vedette, ca sĩ "NTV Virus" ấn tượng trong âm nhạc, rồi nữ diễn viên phim hành động chuyên nghiệp được đặt biệt danh là "đả nữ", giám đốc một công ty quản lý tài năng "mát tay", người khởi xướng và duy trì chương trình Vết sẹo cuộc đời gây quỹ mổ tim cho trẻ em Việt Nam. Và hiện Vân là một nhà sản xuất và đạo diễn "máu lửa" với nghề.

Vóc dáng mảnh mai ẩn giấu một ý chí sắt đá. Ví như, để có được những pha hành động làm hài lòng khán giả, Vân đã phải trải qua bao cơ cực, đẫm mồ hôi, bất chấp nguy hiểm ở phim trường khi quay phim Dòng máu anh hùng. Đến phim Bẫy rồng, nhà sản xuất kiêm diễn viên chính này diện áo thun ba lỗ, tóc cắt ngắn, da cháy nắng, đánh võ rồi chạy xe, bắn nhau hàng tháng trời trong những bãi gỗ ngoài bờ sông, ngoài đường phố.

Luôn lăn xả và hết mình, bởi vậy, mỗi khi Vân xuất hiện cùng với một sản phẩm mới, một vai trò mới là lập tức thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Riêng trong năm 2016, nếu có một cuộc bình chọn nghệ sĩ nổi bật của làng điện ảnh, Ngô Thanh Vân chắc sẽ là một trong số ít cái tên ở top đầu, với vai trò đáng chú ý hơn cả là đạo diễn kiêm nhà sản xuất tiên phong ở thể loại phim cổ trang - thần thoại - giả tưởng (fantasy film).

Con số đầu tư cho Tấm Cám: Chuyện chưa kể là trên 20 tỷ đồng, chỉ ngang bằng, thậm chí còn ít hơn một số phim như Truy sát, Fan cuồng, và tất nhiên chả thấm tháp gì so với hàng trăm triệu đô la kinh phí của các bộ phim cùng thể loại ở Hollywood.

Dẫu còn một số "sạn", nhưng Tấm Cám: Chuyện chưa kể đã tối ưu hóa chi phí và sử dụng tiền đầu tư hiệu quả khi đảm bảo được những tiêu chí cơ bản khán giả mong đợi: phục trang rực rỡ, bối cảnh cung đình nguy nga, hiệu ứng kỹ xảo tạm ổn và khắc phục được những màn chiến đấu kịch tính vốn là yếu điểm của phim cổ trang Việt.

Khi xem Tấm Cám: Chuyện chưa kể, người ta có thể thích hoặc không thích điểm này, góp ý điểm kia được hoặc chưa được, diễn viên này diễn tới hoặc chưa tới, nhưng không ai chê Vân thiếu nghiêm túc, thiếu sáng tạo với nghề. Bởi người ta cảm nhận được ngọn lửa đam mê, sự cố gắng của cả một tập thể 500 con người, mà "đầu tàu" là Ngô Thanh Vân.

Trong bối cảnh phần lớn nhà sản xuất, đạo diễn vẫn thường chọn phim hài, tâm lý tình cảm, kinh dị vừa dễ làm, vừa đầu tư không quá cao, lại dễ thu hồi vốn, thì Vân lại chọn làm fantasy. Đây là thể loại mà trên thế giới cũng không nhiều người dám làm, còn Việt Nam thì gần như chưa có ai.

"Bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, tôi nghĩ cần có những người đặt viên gạch đầu tiên. Phải có khởi đầu thì mới có rút kinh nghiệm, đi bước thứ hai, thứ ba rồi dần dần trưởng thành. Trong khi người ta nhắm vào hài, vào tâm lý, nếu mình không làm fantasy thì ai làm?", Vân bộc bạch.

Tất nhiên, Vân có niềm tin, khi bản thân cô vốn yêu thích thể loại phim này, và sau nhiều năm nghiên cứu cảm thấy đây là dòng phim khá thu hút khán giả ở mọi độ tuổi, giới tính, bởi màu sắc, kỹ xảo, trang phục và đặc biệt là cốt truyện vừa quen vừa lạ nhờ đó là những câu chuyện quen thuộc được làm mới bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Đã làm thì phải làm đến cùng

Đã từng làm nhà sản xuất cho Bẫy rồng, rồi Ngày nảy ngày nay, nhưng làm đạo diễn thì "không phải là ước mơ, nó chưa bao giờ xảy ra trong đầu tôi, chưa bao giờ nghĩ lớn lên sẽ làm đạo diễn, ước mơ cháy bỏng của tôi là làm diễn viên, và nếu được lựa chọn tôi vẫn mong muốn chỉ làm nhà sản xuất cho phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể", Vân nói vậy. Nhưng đã làm thì phải làm đến cùng, Vân hiểu mình muốn gì cho phim, và thị trường cần gì ở phim.

Thực tế luôn không giống như những gì mà Vân tưởng tượng, dù ngay từ khi chọn kịch bản là biết mình sẽ phải làm gì, nhưng càng đi sâu hơn nữa mới thấy làm phim vốn đã quá vất vả, phim thần thoại giả tưởng càng vất vả, khó khăn hơn vạn lần.

>>Nữ diễn viên Việt và giấc mơ đả nữ

Lăn lộn suốt 18 tháng (trong khi hầu hết phim Việt hiện nay chỉ làm từ 3 - 6 tháng là ra rạp - NV), mất ăn mất ngủ, lao lực vì phim, giống như Vân tự làm khó mình. Trên phim trường, mọi người đều bảo Vân kỹ tính, đến từng chi tiết nhỏ cũng phải chăm chút và quyết hoàn thành tốt nhất có thể. Không la mắng, không hét ra lửa, duy nhất có lần gặp áp lực quá lớn, Vân phải to tiếng, nóng nảy và chạy ra vách núi ngồi một mình.

Chỉ một lần đó thôi, nhưng mãi đến ngày đóng máy "off" đoàn, Vân vẫn xin lỗi mọi người. Cũng nhờ lần ấy Vân thấy thấm nỗi vất vả của nữ đạo diễn: một núi công việc, áp lực dồn dập, hàng trăm thứ lo cùng lúc, hàng ngàn điều phải nhớ, phải làm liên tục, ngủ rất ít, có cảnh phải quay suốt 17 giờ đồng hồ...

Nhờ lạt mềm buộc chặt, vừa cương lại vừa nhu, ekip mấy trăm người cộng hưởng lòng yêu nghề và sự tận tâm đã chia sẻ và sát cánh cùng Vân về đến đích.

Khi Tấm Cám: Chuyện chưa kể ra rạp trong hoàn cảnh không thỏa thuận được tỷ lệ phát hành với CGV, mất đi 40% thị phần, nước mắt Vân đã rơi xuống. Nhưng trong cái rủi có cái may, sau 5 tuần công chiếu, bộ phim đã thu về 66,5 tỷ đồng, thu hút được 1 triệu lượt người xem. Vậy là có thể mỉm cười, và từ cuối tháng 9 đến tháng 12/2016, Ngô Thanh Vân sang Hollywood tham gia một dự án phim hành động (chưa được phép "bật mí").

Người viết tin rằng, Vân sẽ tiếp tục gây bất ngờ và tạo tiếng vang trên con đường nghệ thuật. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện về "người đặt gạch" Ngô Thanh Vân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO