Chân dung Tây Nguyên: Những dấu ấn đặc sắc

TRẦN ĐẮC LUÂN| 12/03/2014 07:16

Tây Nguyên, vùng đất của một nền văn hóa đầy bản sắc. Chỉ cần nghe một giọng hát, ngắm một bức ảnh, nghe một tiếng đàn Trưng, một tiếng cồng chiêng, vậy là cả một không gian văn hóa Tây Nguyên đã ùa về.

Chân dung Tây Nguyên: Những dấu ấn đặc sắc

Tây Nguyên, vùng đất của một nền văn hóa đầy bản sắc. Chỉ cần nghe một giọng hát, ngắm một bức ảnh, nghe một tiếng đàn Trưng, một tiếng cồng chiêng, vậy là cả một không gian văn hóa Tây Nguyên đã ùa về.

Riêng với nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hương Vượng, văn hóa Tây Nguyên còn hiện diện ở một góc cạnh khác, ấn tượng và cũng rất riêng. Đó là gương mặt của những người phụ nữ dân tộc thiểu số cao niên. Họ là những đồng bào dân tộc Ê đê, Gia rai, Mnông..., là hiện thân sống động của cả một chặng đường lịch sử đằng đẵng mà vùng đất đỏ bazan đã trải qua theo năm tháng.

Dấu ấn thời gian lặn vào mái tóc bạc trắng, vào làn da nhăn nheo, vào bàn tay gân guốc, thô nháp. Thời gian như muốn phô bày tất cả những gì là điểm tới hạn của con người trước sức càn quét vô biên của nó. Người xem có cảm tưởng những gương mặt trong ảnh không thể già hơn được nữa. Thời gian đã như lắng lại, thành hằn, thành vết trên từng chi tiết gương mặt, bàn tay, dáng vẻ, động tác.

Và có một thực tế không phải ai cũng nhận ra: Rất có thể không còn lâu nữa, người ta không dễ gì được thấy lại những gương mặt đó, dẫu rằng họ chỉ là những người phụ nữ dân tộc rất đỗi bình thường. Cuộc sống đang đổi thay từng ngày. Cùng với đó là sự suy thoái và biến mất của rất nhiều đặc trưng văn hóa từng dân tộc, từng vùng miền. Khi những người cao tuổi này ra đi, họ không đơn thuần mang theo một thể xác của bản thể.

Trở về với đất, họ còn mang theo những thông tin văn hóa, những tập tục, những bản sắc dân tộc. Người già là ký ức của nhân loại. Và khi mỗi người già rời khỏi cõi đời, nhân loại mất đi một kho tàng tri thức và kinh nghiệm. Với nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hương Vượng, bản thân những gương mặt phụ nữ cao niên người dân tộc thiểu số đã là một dấu ấn văn hóa đặc sắc.

Chúng ta có thể hình dung trước một viễn cảnh không xa: Ở Tây Nguyên, trong vòng vài chục năm nữa, những gương mặt như trong ảnh chụp sẽ không còn. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hương Vượng muốn lưu lại khoảnh khắc "một đi không trở lại" bằng loạt ảnh chân dung. Những bức ảnh tràn ngập tâm trạng nuối tiếc những gì thuộc về nguyên sơ, nguyên bản của văn hóa truyền thống. Nhiếp ảnh nghệ thuật rõ ràng không chỉ chụp những cái đẹp, nó còn có khả năng chắt lọc những giá trị tinh túy theo thời gian dưới lăng kính và "bộ lọc" của người nghệ sĩ.

Trên thế gian này có biết bao điều mà những thế hệ sinh sau sẽ chỉ còn được biết tới qua tư liệu hình ảnh hay các dạng thông tin khác. Và ký ức về một Tây Nguyên phong phú bản sắc hiện diện trên gương mặt những người già cũng là một trong những điều ấy.

Góp phần gìn giữ dấu ấn đáng nhớ của quá khứ chẳng phải vẫn là sứ mệnh quan trọng và lớn lao lâu nay ta vẫn thường gán cho nhiếp ảnh đó sao? Vì lẽ ấy, đóng góp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hương Vượng có thể coi là một trong những sáng tạo đáng chú ý về một phương thức giữ gìn quá khứ cho hậu sinh.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hương Vượng đã đoạt trên 70 giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước, trong đó có 28 huy chương vàng quốc tế (gồm 4 huy chương vàng của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA), 6 huy chương vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (FIAP), 18 huy chương vàng của Hội Nhiếp ảnh các nước và vùng lãnh thổ như Ma Cao, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản… Đến nay ông đã có trên 120 tác phẩm và trên 350 lượt tác phẩm được chọn triển lãm ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2008, Nguyễn Hương Vượng đã được phong tước hiệu Nghệ sĩ của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (A.FIAP) và gần đây là tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc (E.FIAP).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chân dung Tây Nguyên: Những dấu ấn đặc sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO