Ca sĩ Ái Vân: Viết để trải lòng

QUÝ YÊN| 18/05/2016 06:20

Đọc hơn 300 trang "Để gió cuốn đi", độc giả có thể hiểu được con người, gia đình và những nỗ lực làm nghề của Ái Vân cũng như những văn nghệ sĩ cùng thời.

Ca sĩ Ái Vân: Viết để trải lòng

"Cuối cùng cũng xong một việc rất khó với mình: ra sách! Đây là cơ hội để chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề và chuyện tình trong cuốn sách này", lời tự sự của ca sĩ Ái Vân - một giọng ca đẹp và danh giá của âm nhạc cách mạng Việt Nam - đã nhận được rất nhiều lời hưởng ứng.

Đọc E-paper

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ thập niên 1970 - 1980, ca sĩ Ái Vân đã có những bài hát ghi dấu ấn trong lòng khán giả như Triệu bông hồng, Trăng chiều, Ru con mùa đông, Người ơi, người ở đừng về... Đặc biệt, Ái Vân là ca sĩ Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng lớn tại Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Dresden, giải thưởng đầu tiên trên trường quốc tế của Việt Nam.

Đương khi sự nghiệp huy hoàng nhất, năm 1990, ca sĩ Ái Vân sang Đức định cư, sau đó qua Mỹ sinh sống và biểu diễn. Cuộc ra đi của cô gây nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả những hồ nghi về động cơ chính trị. Tuy nhiên, đáp án cho câu hỏi này là sự im lặng của Ái Vân. Cô im lặng, kiên nhẫn bám trụ với nghề nơi đất khách.

Vào năm 2013, ca sĩ Ái Vân từng có ý định ra mắt tự truyện qua sự chấp bút của nhà báo Đinh Thu Hiền, với tựa đề Chuyện đời ca sĩ Ái Vân - Hồi ức một đóa hồng. Tuy nhiên, chỉ mới đi được một phần mười quãng đường, dự án phải dừng lại.

Ái Vân nhớ lại: "Thời điểm đó, việc nhớ lại, kể lại cuộc đời mình, tôi vẫn chưa sẵn sàng". Gác lại dự án nhưng lời hứa với người cha về cuốn tự truyện vẫn là điều ám ảnh Ái Vân, khiến cô ca sĩ đã quyết định giải nghệ này không thể sống yên với hiện tại. Cầm bút, tự mình viết lại cuộc đời mình là giải pháp Ái Vân chọn: viết để trải lòng.

Hơn 300 trang, so với hồi ký của những văn nghệ sĩ khác, tự truyện Để gió cuốn đi của Ái Vân ở mức vừa đủ, không quá dài, cũng chẳng quá ngắn. Qua giọng kể dí dỏm, người đọc có thể hiểu được con người, gia đình và những nỗ lực làm nghề của Ái Vân cũng như những văn nghệ sĩ cùng thời. Tuy nhiên, độc giả lại bắt gặp 7 trang bỏ trống.

"Tôi đã cố gắng viết cho xong mục này, 8.808 từ cả thảy. Câu chuyện chưa từng kể ra này cho biết lý do vì sao tôi buộc phải rời Tổ quốc năm 1990 khi đang được Nhà nước ưu ái. Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, khi đọc lại tôi không thể chịu nổi. Con trai tôi, nếu đọc được phần này, chắc chắn cũng sẽ không chịu nổi", Ái Vân bộc bạch trong sách như thế.

Theo chị, thời điểm đó, sự nghiệp âm nhạc sáng chói bao nhiêu thì cuộc sống riêng lại bế tắc bấy nhiêu. Đến tận bây giờ, khi đã viết ra hết những biến cố của giai đoạn đó, Ái Vân vẫn không thể nào chấp nhận được. Xóa, bỏ trống một giai đoạn lớn trong cuộc đời mình, Ái Vân bảo, đó là một món nợ với độc giả, với những người đã yêu thương mình nhưng có những điều, dù có trải lòng thì những uẩn ức vẫn có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh mình.

Khép lại quá khứ, Ái Vân đang an nhiên với hiện tại. Bóng ma quá khứ không còn ám ảnh nhưng khi nhắc nhớ, chị vẫn khóc. Nỗi đau của người yêu nghề phải xa khán giả, của người mẹ yêu con phải xa khúc ruột của mình, của người con phải rời Tổ quốc... có lẽ đã khắc sâu đến mức dù liền da nhưng vết sẹo thanh xuân vẫn cứ cồm cộm đâu đó để khi vô tình chạm phải vẫn thấy nhói đau.

>Tái bản tự truyện Trần Văn Khê: Trí huệ để lại cho đời

>NSND Kim Cương: Viết hồi ký để tri ân cuộc đời

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ca sĩ Ái Vân: Viết để trải lòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO