Vì sao Deutsche Bank chọn John Cryan?

07/07/2015 06:55

Điều gì đang khiến các nhà đầu tư đặt kỳ vọng ở khả năng lèo lái của Cryan, vốn chưa từng điều hành bộ phận nào ở Deutsche?

Vì sao Deutsche Bank chọn John Cryan?

Điều gì đang khiến các nhà đầu tư đặt kỳ vọng ở khả năng lèo lái của Cryan, vốn chưa từng điều hành bộ phận nào ở Deutsche?

Giới ngân hàng khá bất ngờ khi ngày 7/6 vừa qua, Deutsche Bank tuyên bố Anshu Jain sẽ không còn giữ chức CEO vào cuối tháng này. Jürgen Fitschen, đồng CEO với Jain, cũng sẽ rời khỏi ngân hàng lớn nhất châu Âu về giá trị tài sản vào tháng 5/2016.

Cuộc thay đổi ở dàn lãnh đạo cấp cao diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này liên tục không đạt chỉ tiêu tài chính đặt ra và đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện tụng tốn kém hàng tỉ USD.

Người được chỉ định thay cho Jain và Fitschen để giải quyết mớ bòng bong này là John Cryan, một thành viên ban giám sát của Deutsche kể từ năm 2013.

Sau thông tin chỉ định Cryan, giá cổ phiếu của Deutsche đã tăng tới 8,2%, mức cao nhất trong 2 năm qua. Điều gì khiến nhà đầu tư đặt kỳ vọng ở khả năng lèo lái của Cryan, vốn chưa từng điều hành bộ phận nào ở Deutsche?

Mớ hỗn độn tại Deutsche

Dưới thời của Jain và Fitschen, Deutsche đã đẩy mạnh mảng ngân hàng đầu tư (chiếm đến 42% doanh thu năm 2014). Nhưng bộ phận này đối mặt với khả năng sinh lời ngày càng giảm sút, một phần do các quy định tài chính khắt khe hơn. Đến tháng 4, cả 2 đã vạch ra một kế hoạch 5 năm mới.

Đưa ra một số biện pháp khá triệt để như biến Deutsche trở thành một ngân hàng đầu tư độc lập như Goldman Sachs, nhưng cuối cùng Jain và Fitschen lại chỉ thực hiện một cách chắp vá khi rút Deutsche khỏi một số thị trường, cắt giảm bộ phận ngân hàng đầu tư, chia tách Postbank, chi nhánh bán lẻ tại Đức.

Lời hứa sẽ cắt giảm thêm 3,5 tỉ euro (3,9 tỉ USD) chi phí lại không có chi tiết cụ thể mặc dù cả Jain lẫn Fitschen đều cam kết sẽ nói rõ thêm vào cuối tháng 7.

Sau 2 lần tăng vốn kể từ năm 2012, khiến giá cổ phiếu bị pha loãng, nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn. Giá cổ phiếu Deutsche đã giảm hơn 10% kể từ khi kế hoạch mới được công bố và gần 2/5 nhà đầu tư bỏ phiếu chống lại dàn quản lý tại Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 5.

Không chỉ thất vọng vì Ngân hàng đã nhiều lần lỡ hẹn về các chỉ tiêu lợi nhuận, cổ đông cũng quá mệt mỏi với hàng loạt vụ kiện tụng đang diễn ra. Trong Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng trước, nhà đầu tư cho biết họ đã mất niềm tin vào khả năng đáp ứng kỳ vọng về chi tiêu tài chính của dàn quản lý cũng như thất vọng trong cách mà họ giải quyết các vụ kiện tụng.

Hồi tháng 4, Deutsche bị buộc phải thanh toán khoản tiền phạt 2,5 tỉ USD để dàn xếp những cáo buộc thao túng lãi suất. Vào cuối tháng 5, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ còn phạt Deutsche 55 triệu USD vì đã giấu các khoản lỗ trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính. Trong những tuần gần đây, Ngân hàng cũng cho biết đang điều tra các lời cáo buộc rằng chi nhánh ở Nga có liên quan đến nạn rửa tiền.

Chi phí pháp lý quá nhiều đã khiến cho lợi nhuận của Deutsche bị bào mòn. Chính Deutsche đã thừa nhận phải chi trả 1,6 tỉ USD chi phí pháp lý trong quý I/2015 vì những cáo buộc liên quan đến việc thao túng lãi suất Libor.

Mớ bòng bong này, liệu Cryan có thể giải quyết nổi? Ingo Speich, một nhà quản lý quỹ tại Union Asset Management Holding, 1 trong 20 cổ đông lớn nhất của Deutsche, cho rằng việc chỉ định Cryan là có lý. Bởi lẽ, với vị trí là thành viên ban giám sát kể từ năm 2013, ông biết rõ về nội tình ngân hàng, những định hướng chiến lược, các cuộc điều tra đang diễn ra, nhưng lại không có dính dáng đến những vụ kiện tụng này.

Còn Chủ tịch Ban giám sát Deutsche, ông Paul Achleitner, thì cho rằng Cryan có nền tảng tài chính và ngân hàng rất tốt. Vị CEO mới “cho thấy những giá trị cá nhân và chuyên môn cần thiết để “nâng cấp” các kế hoạch chiến lược của Ngân hàng”, ông nói.

Con đường chông gai

Việc chỉ định Cryan được đánh giá là nhằm làm rõ ràng hơn làm thế nào Ngân hàng cắt giảm chi phí như trong kế hoạch mà Jain và Fitschen đã đặt ra. Richard Stein, một đối tác tại hãng tư vấn Options Group, cho biết ông tin rằng Cryan sẽ “phẫu thuật” Deutsche nhằm cắt giảm chi phí quá cao ở ngân hàng này trong đó có cả mức lương thưởng ở bộ phận ngân hàng đầu tư.

Niềm tin vào Cryan là có lý do. Cryan, 54 tuổi, đã leo lên các vị trí quản lý tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS và trở thành một trong những nhà lãnh đạo cấp cao nhất của ngân hàng này, giúp tư vấn cho ngân hàng Hà Lan ABN Amro Holding NV trong một thương vụ mua bán kỷ lục vào năm 2007.

Theo đó, khi ABN Amro chọn Cryan làm nhà cố vấn chính, ngành ngân hàng đang gần kết thúc chu kỳ bùng nổ. Ngân hàng đã bán cơ sở tại Mỹ cho Bank of America Corp. với giá 21 tỉ USD, sau đó bán phần còn lại với giá 72 tỉ euro cho một nhóm người mua dẫn đầu bởi Royal Bank of Scotland (RBS).

Thương vụ giao dịch là một kỷ lục đối với ngành ngân hàng, đưa tên tuổi của Cryan nổi như cồn. Sau khi mua lại ABN Amro, RBS đã phải nhờ đến sự giải cứu của Chính phủ Anh.

“John giải quyết tất cả mọi tranh cãi xung quanh vụ giao dịch bán ABN Amro. Ông ấy đã thực hiện một công việc bậc thầy”, Olivier Sarkozy, người từng cùng Cryan phụ trách bộ phận ngân hàng đầu tư phục vụ cho các định chế tài chính tại UBS, nhận xét.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính leo thang vào năm tiếp theo, UBS đã đề bạt Cryan lên vị trí Giám đốc Tài chính (CFO). Đó là thời điểm tháng 9/2008 khi các khoản thua lỗ thời kỳ khủng hoảng tài chính và các đợt ghi giảm giá trị tài sản tại UBS đã phình to vượt qua con số 48 tỉ USD, cao hơn bất kỳ tổ chức cho vay châu Âu nào.

Trong suốt thời gian Cryan giữ chức CFO, Ngân hàng đã cắt giảm tài sản xuống còn chỉ 1.200 tỉ franc Thụy Sĩ (1.300 tỉ USD) từ mức 2.000 tỉ franc, theo số liệu của Bloomberg. Ngân hàng đã sa thải hàng ngàn nhân viên và tái sắp xếp tổ chức các bộ phận theo hướng tập trung vào mảng quản lý tài sản cá nhân.

“John là người có trí tuệ. Hội đồng Quản trị biết ông ấy rất rõ. Họ nói chúng tôi muốn một nhà lãnh đạo có trí tuệ và thấu đáo”, Sarkozy nhận xét. Nhiều ý kiến khác cũng đánh giá ông là người luôn biết câu trả lời chính xác và rất thận trọng.

Cryan rời khỏi UBS vào năm 2011 để theo đuổi những lý tưởng riêng và sau đó đầu quân cho Temasek Holdings, một công ty đầu tư thuộc sở hữu nhà nước của Singapore. Ông đã rời khỏi chức vụ Chủ tịch bộ phận châu Âu của công ty này vào năm 2014.

Tại Deutsche, Cryan đã ngồi vào các ủy ban rủi ro và kiểm toán của ban giám sát. Ông cũng là một thành viên Hội đồng Quản trị của Man Group, một tập đoàn quản lý quỹ đầu cơ Anh.

Nay ở cương vị là ông chủ ở Deutsche, Cryan đang đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ cần phải xử lý để đại tu ngân hàng này và vực dậy giá cổ phiếu. Dưới thời của Jain và Fitschen, cổ phiếu của Deutsche là cổ phiếu giao dịch kém cỏi nhất trong số các ngân hàng trên toàn cầu.

Giá cổ phiếu đã giảm mạnh nhất trong 15 tháng qua khi chiến lược mới được công bố vào tháng 4. Hiện cổ phiếu Deutsche được giao dịch chỉ khoảng 60% giá trị sổ sách hữu hình - tức giá mà nhà đầu tư dự kiến được nhận nếu Ngân hàng thanh lý tài sản.

Cryan có đủ kiến thức tài chính để đưa ra quyết định rõ ràng hơn về việc mảng nào của Deutsche kiếm ra tiền và mảng nào không cũng như phân bổ vốn hợp lý. Nhưng vấn đề thực sự của Deutsche là Ngân hàng chưa định hướng rõ mình muốn làm gì. Jain chưa trả lời câu hỏi này một cách thỏa đáng và ông đã phải ra đi. Cryan sẽ phải tìm ra nó nếu muốn tại vị lâu dài.

>Deutsche Bank - ngân hàng cung cấp thanh khoản lớn nhất Châu Á

>15 ngân hàng lớn nhất thế giới bị hạ mức tín nhiệm

>Nhiều ngân hàng Mỹ "lấn lướt" các đối thủ châu Âu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao Deutsche Bank chọn John Cryan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO