TTT đi bằng 2 chân

17/02/2014 04:44

Văn phòng TTT một ngày cuối năm...

TTT đi bằng 2 chân

Văn phòng TTT một ngày cuối năm. Máy tính bảng của Tổng Giám đốc Lê Bá Thông cập nhật liên tục những động thái của doanh nghiệp thông qua phần mềm quản lý dự án Project Server 2013. Diễn biến mới nhất là điều chuyển thêm nhân sự phụ trách giám sát thi công Khách sạn Pullman Vũng Tàu.

Ông Lê Bá Thông, Tổng Giám đốc Công ty TTT
>Không làm người lính "điên rồ" và "hèn nhát"
>Cho đi thì sẽ nhận được nhiều hơn thế
>
Muốn vui, hãy tìm về cái "gốc"

Hợp đồng trang trí nội thất cho dự án này là một trong những niềm vui lớn nhất của Lê Bá Thông khi năm 2013 khép lại. Pullman Vũng Tàu là khách sạn liên doanh, trong đó đối tác Trung Quốc chiếm 49% cổ phần.

Thế nên việc chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu Trung Quốc là điều dễ hiểu. Nhưng sau một thời gian ngắn thi công, chủ đầu tư đã gõ cửa TTT, mời dự thầu.

Thông thường, các dự án khách sạn 5 sao đều sử dụng vật liệu nhập khẩu. Ngoài năng lực, yếu tố quyết định nhà thầu này giành phần thắng là “khoan” vào yếu huyệt của đối thủ Trung Quốc, là chính sách bảo hành, bảo trì nhờ lợi thế sân nhà.

“Lãnh đạo nhiều công ty nội thất trong nước đã ngồi lại với nhau, cùng thống nhất cố gắng không để đối thủ Trung Quốc lấy hết dự án. Nhưng theo đà này, chúng tôi sẽ làm hết”, ông Thông không giấu được sự tự hào khi nhắc lại cú lội ngược dòng.

Trước đó, TTT cũng là nhà thầu tham gia thi công nội thất cho khách sạn Pullman Hà Nội và Pullman Sài Gòn. Lấn sân sang mảng dịch vụ khách sạn từ sáu, bảy năm nay nhưng TTT vẫn được xem là tân binh. “Nhiều đối tác cũng không biết chúng tôi làm khách sạn”, ông Thông thừa nhận.

Năm 2013, TTT thực hiện trên 170 công trình. Đây cũng là lần đầu tiên phân khúc khách sạn hạng sang chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu doanh thu của TTT.

Tuy nhiên, ông Thông khước từ công bố con số chi tiết. Năm 2014, khách sạn tiếp tục là phân khúc TTT tập trung khai thác. “May mắn là giai đoạn kinh tế suy thoái rơi đúng vào chu kỳ nhiều khách sạn hạng sang ở Việt Nam phải đổi mới”, ông Thông cho biết.

Kinh tế thịnh hay suy đều tạo ra cơ hội kinh doanh ở phân khúc văn phòng. Tăng trưởng, doanh nghiệp mở rộng, dời từ văn phòng nhỏ sang văn phòng lớn.

Khủng hoảng thì ngược lại. Xu hướng dịch chuyển ra khu vực vùng ven vẫn tiếp diễn. Chủ đầu tư tòa nhà Saigon Paragon ở quận 7, TP.HCM cho biết trong vòng 8 tháng cuối năm 2013, tỉ lệ lấp đầy của tòa nhà này đã vọt lên 85%.

Tuy nhiên, Kiến trúc sư Trần Lê Quốc Bình, Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây dựng QBi, cho biết xu hướng dịch chuyển văn phòng không phải lúc nào cũng tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho những nhà cung cấp dịch vụ. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp tận dụng trang thiết bị hiện có thay vì đầu tư mới. Thậm chí để tiết giảm chi phí, không ít doanh nghiệp chủ trương tìm kiếm những nhà thầu loại hai, loại ba với mức phí thấp hơn.

“Nếu kinh tế không được cải thiện trong 3 năm tới, doanh nghiệp (trong ngành) sẽ chết”, ông Thông nhận xét. Và giọng nửa đùa nửa thật: “Lúc ấy, chúng ta sẽ không ngồi ở đây (trong văn phòng), mà có thể một quán cà phê ngoài vỉa hè”.

Thương hiệu TTT được chiết tự từ chữ cái đầu tiên trong tên gọi 3 thành viên sáng lập (Trần Minh) Tâm, (Trần Khánh) Trung và (Lê Bá) Thông. Nội hàm của 3 chữ cái còn là thiết kế - thi công - trang trí nội thất.

Thành lập năm 1992, TTT được biết đến nhiều ở phân khúc văn phòng. Khách hàng truyền thống là công ty nước ngoài, cá biệt là Unilever với khoảng 20 hợp đồng.

Nhà thầu tư nhân này cũng từng thi công Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia - những dự án thường được chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế do liên quan đến an ninh quốc phòng.

Stan Shi, người sáng lập thương hiệu máy tính Acer, là cha đẻ của mô hình đường cong nụ cười mô phỏng hình dạng parabol lõm. Nằm trên mép trái của nụ cười, sáng tạo là một trong những khâu tạo ra tỉ suất lợi nhuận cao nhất trong chuỗi giá trị.

Như để khẳng định giá trị của sáng tạo, ông Thông dẫn chứng trường hợp của mô hình Phú Mỹ Hưng. Giá bất động sản ở khu đô thị từng giành được giải thưởng Viện Kiến trúc Mỹ dành cho khu đô thị xuất sắc nhất châu Á năm 1997 vẫn khá ổn định trong bối cảnh thị trường ế ẩm.

Trường hợp thứ hai là dự án biệt thự nghỉ dưỡng The Nam Hải, công trình TTT từ chối dự thầu do chủ đầu tư chủ trương sử dụng vật liệu rẻ tiền. Chỉ khi dự án hoàn thiện, ông Thông mới thực sự choáng váng.

Tỏ rõ sự thán phục, ông nói: “Đấy là một mô hình đầu tư thông minh. Chủ đầu tư hòa vốn trong vòng 8 tháng”.

Ngoài giá trị thiết kế, tính thời điểm được cho là có đóng góp đáng kể vào sự thành công của The Nam Hai. Chủ đầu tư là đơn vị tiên phong tung ra thị trường dòng sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng từ năm 2005.

Nhưng nhìn chung, những câu chuyện thành công nhờ thiết kế còn khá hiếm hoi. Phần lớn khách hàng vẫn xem thiết kế là một loại chi phí, hơn là một khoản đầu tư. Đối với TTT, khâu thi công mới mang lại nguồn thu lớn nhất, bù đắp cho chi phí thiết kế.

Một đặc thù của mảng nội thất, theo ông Thông, là chủ đầu tư thường xé lẻ dự án, thiết kế riêng, thi công riêng, đồ gỗ riêng, trang trí nội thất riêng... Có lẽ bởi vì doanh nghiệp trong ngành hoặc chỉ tập trung vào thi công, hoặc chỉ thiên về thiết kế. Trong cây gia phả của TTT có cả công ty thiết kế và thi công.

Nhờ đi bằng hai chân nên TTT là một trong số ít nhà thầu có thể thực hiện những dự án chìa khóa trao tay, đóng góp khoảng 80% doanh số trong suốt 15 năm qua. Đấy là chưa kể đến việc TTT còn sở hữu một nhà máy rộng 15.000 m2, sản xuất đồ gỗ theo kiểu may đo.

Có thông tin TTT đang tìm kiếm mặt bằng cho một nhà máy mới trong năm 2014. Công nghệ, công suất tới hạn khiến nỗ lực cải thiện năng suất không mang lại hiệu quả đáng kể.

Chưa rõ doanh nghiệp này sẽ đầu tư xây nhà máy hay mua lại tài sản của những doanh nghiệp đang vật lộn với khó khăn. Nhưng xem ra lựa chọn thứ hai sẽ khả thi hơn, vừa giúp giảm chi phí, vừa không tốn thời gian xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTT đi bằng 2 chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO