“ Tôi đã có tài sản vô giá là thương hiệu và niềm tin”

CÁC NGỌC| 04/03/2009 01:25

Đại dịch cúm gia cầm năm 2003 khiến vựa trứng gà, trứng vịt của bà Phạm Thị Huân (Ba Huân) điêu đứng như bao vựa trứng khác, tưởng chừng bà phải bỏ nghề. Đến năm 2006, trên thị trường TP.HCM xuất hiện trứng gà, trứng vịt có đóng dấu “Ba Huan Co.” được Chi cục Thú y xác nhận là trứng sạch. Biết chuyện bà Ba Huân dám đi Hà Lan đem về dây chuyền xử lý trứng rồi còn xây nhà máy tốn hết thảy hơn 30 tỷ đồng, nhiều người bảo bà bạo gan quá!

“ Tôi đã có tài sản vô giá là thương hiệu và niềm tin”

Đại dịch cúm gia cầm năm 2003 khiến vựa trứng gà, trứng vịt của bà Phạm Thị Huân (Ba Huân) điêu đứng như bao vựa trứng khác, tưởng chừng bà phải bỏ nghề. Đến năm 2006, trên thị trường TP.HCM xuất hiện trứng gà, trứng vịt có đóng dấu “Ba Huan Co.” được Chi cục Thú y xác nhận là trứng sạch. Biết chuyện bà Ba Huân dám đi Hà Lan đem về dây chuyền xử lý trứng rồi còn xây nhà máy tốn hết thảy hơn 30 tỷ đồng, nhiều người bảo bà bạo gan quá!

* Động lực nào khiến bà dám bỏ ra số vốn lớn như vậy để đầu tư vào cái việc mà lúc đó có người nói rằng không đáng vì “chỉ cần lau rửa trứng cho sạch là bán được thôi”!

- Tôi đã theo mẹ bán trứng gà, trứng vịt từ năm 13 tuổi, đến 16 tuổi đã tự kinh doanh được. Nói thật, sống mấy chục năm với nghề, lần đầu tiên chứng kiến đại dịch cúm gia cầm năm 2003 làm cho nông dân nuôi gia cầm lẫn người kinh doanh thịt, trứng gia cầm đều điêu đứng, người thân trong gia đình bàn với tôi nên gom góp vốn chuyển qua làm du lịch, nhưng tôi tự thấy mình quê trớt, không thể làm du lịch được. Dịch cúm gia cầm đi qua, kinh doanh trứng trở lại mặc dù có kiểm dịch nhưng người tiêu dùng vẫn e dè khi mua.

Lúc ấy, người em tôi từ nước ngoài về cho biết ở Hà Lan có dây chuyền xử lý trứng sạch, sát khuẩn đến trên 99%, nên dù có dịch cúm, bên ấy người ta vẫn bán trứng bình thường. Tôi khăn gói đi xem cho tận tường vì thấy các anh lãnh đạo thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng khuyến khích chuyển đổi phương thức kinh doanh trứng hướng đến an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới phát triển được. Thấy dây chuyền mình mê quá, có được nó thì trứng bán ra thị trường hoàn toàn an tâm về vệ sinh.

Tham quan về, tôi làm tờ trình kế hoạch nhập dây chuyền xử lý trứng lên Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y cũng đồng tình. Trong đề án, tôi kiến nghị Thành phố giúp cho vay 11 tỷ đồng với lãi suất 5%/năm và được duyệt. Tôi đã bán một nhà kho đang cho thuê, gom hết vốn đang có vào nữa là đủ nhập dây chuyền xử lý trứng sạch và xây dựng nhà máy, tổng cộng hết trên 30 tỷ đồng. Số vốn bỏ ra bạc tỷ, nghĩ đến việc thu lại bạc cắc cũng thấy ngán, nhưng nếu mình bán trứng được thì nông dân sống được, chẳng lẽ còn có thể tính kế được mà mình lại ngại làm, quay lưng với những người đã một nắng hai sương với mình.

* Mới hơn hai năm Ba Huân đưa trứng sạch ra thị trường, chắc hẳn chưa thu hồi vốn được, lại gặp thêm năm 2008, nền kinh tế suy giảm, có lẽ tạo thêm áp lực cho bà?

Bà Ba Huân hướng dẫn đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM tham quan nhà máy

- Ba Huân gượng lại được trong hơn hai năm qua là nhờ người tiêu dùng tin tưởng, nhưng chỉ về mặt thị trường, quả thật tôi chưa khấu hao được gì về máy móc thiết bị. Tuy nhiên, với ý thức “chia sẻ với cộng đồng”, mình cố gắng làm. Cả TP.HCM tiêu thụ một ngày 3 triệu trứng các loại, thì Ba Huân đã cung cấp 1 triệu trứng.

Kinh tế cả nước trong năm qua đúng là có khó khăn nhưng ngành thực phẩm ít bị sụt giảm hơn. Riêng mặt hàng của Ba Huân là thực phẩm dinh dưỡng mà rẻ tiền. Người giàu, người nghèo đều thích ăn trứng, nhất là người nghèo ăn thịt gà, thịt vịt không đủ tiền chứ ăn trứng thì được. Công nhân hay các bà nội trợ ít tiền ra chợ mua rau và trứng là có bữa ăn ngon miệng. Tôi rất vinh dự được chính quyền thành phố tin tưởng cho tham gia bình ổn giá trong dịp Tết vừa qua. Năm nào giá trứng cũng tăng vùn vụt vào những ngày cận Tết. Năm nay, Ba Huân kềm giá cao nhất chỉ 23.000đ/chục. Tôi nghĩ mình lời vừa phải thôi để giúp người tiêu dùng trong thời buổi khó khăn.

* Từ năm 2006, khi công ty của bà bán lẻ trứng sạch thì mọi người mới biết đến Ba Huân. Mới vài năm, bà đã tổ chức tiếp cận và mở rộng thị trường nhanh như thế, chiếm đến 30 - 40% thị phần TP.HCM!

- Mới đầu tôi chỉ đưa hàng vào siêu thị. Tình cờ nghe một số công nhân nói “Ba Huân đưa trứng ra chợ đi, chứ nếu chỉ đưa vào siêu thị, công nhân nghèo có nhiều tiền đâu mà vô siêu thị mua hoài, thời giờ đâu mà xếp hàng tính tiền. Chả lẻ mua vài quả trứng mà phải tới siêu thị”. Thấy vậy, tôi bàn với bộ phận kinh doanh đưa ra chiến dịch “Ba Huân đến với mọi nhà”, cho nhân viên vào các chợ, đặt hàng trăm kệ hàng cho tiểu thương. Tôi hỗ trợ hết mình cho tiểu thương, họ đem trứng về bán, nếu trong ba ngày bán chưa hết thì tôi đổi trứng mới. Nhờ vậy, người này thấy người kia bán tốt thì đăng ký xin bán.

Tôi còn tổ chức đội xe máy bán lưu động, khuyến khích họ bán hàng bằng cách có bao nhiêu người lấy trứng đi bán cũng được miễn sao họ tập trung hóa đơn lấy hàng cứ đủ 100 triệu đồng thì tôi cho lại họ hai triệu đồng tính bằng trứng. Làm như vậy, nhiều người hăng hái mua trứng giùm cho bạn bè, bà con ngoài Bắc, ngoài Trung vào đây đi bán đến tận các khu phố, các khu công nghiệp đông công nhân, thu hút thêm khách hàng cho Ba Huân. Với trứng, mua 100 triệu đồng đi bán rất nhanh. Như có nhóm 10 anh em ở Quảng Nam lấy một ngày 15.000 trứng, tương đương trên 20 triệu đồng, vậy chỉ 5 ngày là đủ 100 triệu đồng. Ba Huân đã có được 4 - 5 tổ như vậy, mỗi tổ 10 người.

Kênh tiêu thụ chính vẫn là siêu thị, nhưng siêu thị cũng có hạn mức cho hàng Ba Huân vì họ còn lấy trứng của nhiều cơ sở khác. Vì vậy, tôi phải chọn cách khác để mở thêm thị phần và tăng sản lượng. Đến giờ ngoài TP.HCM, trứng Ba Huân đã được bán sang Đồng Nai, Bình Dương.

* Làm sao để bảo đảm rằng đội xe lưu động chỉ bán đúng hàng của Ba Huân?

- Kêu gọi người ta bán trứng sạch thì mình phải tạo điều kiện cho họ an tâm. Chúng tôi lên Chi cục Thú y đăng ký mẫu mã trứng, đồng thời nhờ Chi cục phổ biến đến các trạm thú y biết mẫu trứng của Công ty Ba Huân đã được xử lý an toàn để nhân viên thú y dễ dàng phân biệt, giúp người bán lẻ tại các chợ hay người bán lưu động khỏi phải đăng ký kinh doanh phức tạp. Mình chu đáo như vậy nên người bán lẻ cho mình cũng không nghĩ đến việc trộn loại trứng khác vào bán làm gì cho rắc rối.

Làm sao tránh bị làm giả, làm nhái? Đúng là không thể ngờ trứng là hàng rẻ tiền vậy mà cũng bị nhái nhãn hiệu, tôi đã đến nói chuyện với người làm nhái nhãn hiệu, yêu cầu họ chấm dứt. Còn muốn làm giả hàng trứng của Ba Huân, tôi nghĩ rất khó vì đánh dấu bằng máy khác với đánh dấu thủ công. Mặt khác, chữ cái và mã số tương ứng từng lô sản phẩm của các ngày khác nhau, ký hiệu này chỉ có bộ phận sản xuất, kinh doanh của Công ty biết. Nếu có ai cầm trứng đến khiếu nại Ba Huân thì coi ký hiệu là biết liền. Vả lại, đầu tư dây chuyền công nghệ quá mắc tiền vào một ngành làm ra sản phẩm rẻ tiền như vầy không phải ai cũng muốn đầu tư, giá trị sản phẩm không bao nhiêu nên cũng không ai hơi đâu làm giả.

* Đội bán lưu động rất hay, nhưng người khác cũng làm được như vậy, làm sao bà giữ những người bán này trung thành với mình?

- Đúng là người khác có thể bắt chước cách làm nhưng người tiêu dùng bây giờ hiểu biết cao lắm. Các em bán lưu động nói với tôi: “Lấy trứng chỗ cô bán sướng lắm, thú y thấy là biết, còn người mua nghe nói hàng của Ba Huân là mua”. Nghe vậy tôi cũng mừng vì sự đầu tư của mình không uổng. Những người đi bán lưu động không cần xuất tiền ra mua trứng, nhưng phải đi xe máy của Công ty. Họ mang xe đến gửi lại, rồi lấy xe máy chuyên chở trứng của Công ty đi. Họ đi bán đến khi hết số trứng lấy trong ngày thì đem tiền về đổi xe lại. Nếu chương trình “Ba Huân đến với mọi nhà” mà thành công thì sẽ tăng thêm xe. Mình có mở rộng cũng phải nhắm tầm kiểm soát và đồng vốn. Làm gì chi phí thấp, đầu tư ít mà hiệu quả cao thì làm chứ không dám phung phí, làm sao giá trứng của mình bằng giá của các cơ sở làm thủ công, có hơn thì cũng không đáng kể, chứ cao quá người tiêu dùng sẽ tẩy chay mình.

* Bà tính đến việc tăng thị phần của Ba Huân trên thị trường như thế nào?

Bà Ba Huân hướng dẫn lãnh đạo TP.HCM và các sở, ngành đi thăm một trại chăn nuôi gà lấy trứng ở Bình Phước

- Dây chuyền hiện nay chỉ có 65.000 trứng/giờ, máy chạy ba ca liên tục chỉ xuất xưởng hơn 1 triệu trứng/ngày, trong khi chỉ riêng TP.HCM nhu cầu khoảng 2,5 - 3 triệu trứng/ngày. Không thể ỷ vào một dây chuyền chạy suốt ngày đêm, phải có thêm để tăng sản lượng và dự phòng, không thôi một ngày máy báo lỗi không chạy là mình đứng tim theo luôn. Vì vậy dù chưa lấy vốn dây chuyền trước nhưng tôi cũng quyết tâm nhập thêm dây chuyền nữa vào tháng 9 năm nay, có công suất 120.000 trứng/giờ. Nếu có thêm dây chuyền mới thì mỗi ngày sẽ cho ra thị trường thành phố 1,5 triệu trứng, chưa nói đến các tỉnh. Tôi hy vọng sẽ được vay vốn kích cầu.

Tôi làm được thành công thì không chỉ giúp cho nhiều người tiêu dùng sử dụng trứng sạch mà còn giúp cả cho người chăn nuôi. Tôi nhớ trước đây người chăn nuôi te tua sau trận dịch, tôi đến thăm, họ ôm tôi khóc ròng. Khi quyết tâm nhập dây chuyền xử lý trứng sạch về, tôi đề nghị bà con nuôi lại nhưng họ không dám. Lúc đó tôi phải hùn một chút vốn, đảm bảo bao tiêu nên họ hồ hởi nuôi lại, giờ ai cũng mừng vì phát triển được. Tôi có tham vọng thực hiện chương trình “Từ trang trại đến bàn ăn”, ngoài việc hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi theo đúng qui trình an toàn, còn dự định xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn nhằm kiểm soát đầu vào của sản phẩm.

* Muốn phát triển sản xuất, mở rộng thị phần, thực hiện những chương trình quy mô, đòi hỏi bà phải có một đội ngũ nhân sự giỏi, chứ không thể chỉ dựa vào máy móc thiết bị hay vốn lớn...

- Nghề của tôi bắt đầu từ gia đình, chị em trong nhà cùng nhau làm đến khi lập công ty, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm; muốn phát triển lớn, mình cũng sợ chủ quan làm gì không đúng nên nhờ những anh em có trình độ chuyên môn giúp giùm. Những nhân viên của Ba Huân có trình độ đại học, cao học tôi rất trân trọng, nhưng cũng truyền kinh nghiệm của mình cho các em, các cháu vừa vận dụng những kiến thức mới kết hợp với kinh nghiệm kinh doanh truyền thống. Tuổi đời mình lớn nhưng không lúc nào không học hỏi, học cả những em, cháu mình, thành ra các em cũng chia sẻ để cùng làm tốt hơn.

* Năm nay dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng nghe những dự định đầu tư khá lạc quan của bà, người lao động trong Công ty Ba Huân chắc cũng mừng vì cuộc sống của họ sẽ ổn định…

- Tôi đang cố gắng cho người lao động của mình có thu nhập cao hơn chứ không chỉ ổn định, hy vọng sẽ giải quyết việc làm cho 80 lao động nữa (hiện Ba Huân có 168 lao động). Con trai lớn của tôi đã mất cũng vì nghề trứng. Hai con tôi hiện nay còn nhỏ nhưng tôi có nhiều công nhân, nhân viên gọi là má Ba. Nhiều người làm với tôi gần 20 năm, tôi dựng vợ gả chồng cho các em luôn, xây nhà phía sau nhà máy cho ở, như vậy là mình được nhiều người thân lắm.

Tài sản vật chất thì chưa hoàn, chưa thu lợi nhuận, trị giá tài sản thua kém trước đây, nhưng tôi đã có tài sản vô giá là thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng, người chăn nuôi. Điều sung sướng của tôi là kéo biết bao nông dân khỏi nghèo túng, giúp được họ để cùng đồng hành với mình tăng gia sản xuất. Ở miền Tây, bà con chăn nuôi đặt tặng tôi câu ca: “Một đời vì nước vì non, vì ngành nông nghiệp, vì con gia cầm” !

• Bà đã bộc bạch những tâm huyết, chắc chắn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Chúc bà sớm thực hiện trọn vẹn chương trình “Từ trang trại đến bàn ăn”.

CÁC NGỌC thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“ Tôi đã có tài sản vô giá là thương hiệu và niềm tin”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO