“Phải chấp nhận cải tạo thiên nhiên”

PHẠM HOA LÀI| 20/05/2009 08:40

Cải tạo tốt còn hơn cứ bỏ hoang rồi thành nơi du lịch với buôn thúng bán mẹt, hàng quán manh mún. Phải cải tạo, không thì không thể phát triển được..." Huỳnh Ngọc Dũng

“Phải chấp nhận cải tạo thiên nhiên”

Ngoài sở hữu Công ty Thiên Bình chuyên về các dịch vụ giải trí, du lịch, đang là đối tác của một số resort tại Nha Trang, ông Dũng còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác. Thế nên trong danh thiếp, ông chỉ ghi chung chung là làm về dịch vụ du lịch. Phong cách của ông đúng chất của một người trong ngành này: Hiếu khách, nhiệt tình, quen biết rộng và sẵn sàng bày tỏ chính kiến rất thẳng thắn.

Dù thừa nhận mình là người thận trọng, từng bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt vì cân nhắc quá kỹ như bản tính của nhiều doanh nhân đất Nha Trang, nhưng nói chuyện với ông, lại thấy có sự cấp tiến, cởi mở với môi trường kinh doanh mới ở thành phố biển này.

* Anh từng là “người của rừng” nhưng đã “về biển” kinh doanh. Cuộc thay đổi này diễn ra như thế nào?

- Hồi xưa tôi học ngành nông - lâm - súc. Sau đó, khi được chọn chuyên ngành để học, tôi đã chọn ngành điều tra, quy hoạch rừng. Trong khi bạn bè ổn định ở thành phố thì mình một năm 6 tháng vai vác ba-lô, máy móc đo đạc rong ruổi trong rừng với thú dữ, Fulro... Sau đó, tôi được đề nghị về làm một công việc khác liên quan đến ngành lâm nghiệp, cũng có đồng ra đồng vô, cũng lại tiếp tục đi đó đi đây. Rồi tôi nhận khoán, mua bán gỗ.

Công việc của vợ tôi cũng liên quan đến lâm nghiệp. Năm 1990, khi có chính sách đóng cửa rừng, tôi cho vợ nghỉ trước, rồi tìm cách rời khỏi rừng. Chúng tôi tính chuyện kinh doanh nhưng thấy phức tạp quá, đòi hỏi tính toán dữ quá nên quyết định dừng. Mình ở biển, ở thành phố du lịch, nên con đường rộng rãi nhất là làm gì đó liên quan đến du lịch. Và con đường ấy suôn sẻ từ đó đến giờ.

* Ông làm du lịch cũng đã được mười mấy năm. Với tư cách một doanh nhân, ông thấy ngành du lịch của Nha Trang đã phát triển như thế nào về chất và lượng trong thời gian qua?

Ông Dũng kiểm tra phương tiện phục vụ các trò chơi trên biển

- Nha Trang có 10 tháng nắng, khí hậu ôn hòa. Đó là thiên thời. Thêm sở hữu một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới và phong cảnh thiên nhiên rất đẹp. Đó là địa lợi. Tôi nghĩ nhiều vùng khác không được thiên nhiên ưu ái như Nha Trang. Người dân ở đây cũng hiếu khách, nhịp sống dễ chịu và môi trường chưa bị ô nhiễm. Với những thuận lợi đó, giới đầu tư đổ tiền vào Nha Trang là chuyện tất nhiên.

Từ năm 2000, khi làn sóng đầu tư bắt đầu rầm rộ, cho đến nay, phải nói Nha Trang phát triển rất nhiều. Công nghiệp cũng có gia tăng nhưng chưa rõ nét, riêng ngành du lịch đã thay đổi đáng kể. Đến nay, ở đây đã hiện diện một số thương hiệu cao cấp, tên tuổi lớn, thu hút được cả những người nổi tiếng thế giới đến chơi, lưu trú. Phải nói rằng du lịch Nha Trang đang phát triển ồ ạt.

* Với tỷ trọng thu nhập cao từ ngành du lịch, ông có sợ rằng đây là thời gian khó cho Nha Trang vì bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu? Ông thấy ngành du lịch ở đây đang ứng phó ra sao?

- Không thể thoát khỏi ảnh hưởng nhưng phải sẵn sàng chấp nhận và tìm cách thích nghi. Tôi nghĩ cũng không nên quá lo lắng, mặc dù phải giảm giá mạnh nhiều thứ. Như dịch vụ dù lượn của tôi chẳng hạn, hồi trước cho thuê một vòng bay là 350.000 đồng, nay phải hạ xuống chỉ còn 250.000 đồng. Các công ty du lịch phải ngồi lại với nhau để bàn phương hướng giảm giá chung hay tài trợ, giúp đỡ nhau. Cùng chia sẻ với nhau thì sẽ vượt qua được khó khăn.

* Thưa ông, những công trình du lịch, resort cao cấp xuất hiện gần đây đã vô tình đưa Nha Trang lên một vị thế mới. Về cảm nhận cá nhân, ông có thấy rằng Nha Trang đủ điều kiện và sẵn sàng để kiếm tiền một cách sang hơn, nhiều hơn là phát triển nhỏ lẻ theo kiểu du lịch bụi?

- Có những đoàn khách giàu có đến đây, như từ tàu du lịch 5 sao chẳng hạn. Trong thời gian lưu lại, họ sẽ có nhu cầu xài hết số tiền mang theo để tận hưởng các dịch vụ. Vậy có gì tương xứng ở đây để họ xài tiền? Đó không chỉ là câu hỏi của riêng doanh nghiệp nào, mà là câu hỏi chung, phải có câu trả lời chung để hình thành một hệ thống dịch vụ du lịch phục vụ khách giàu, giúp họ xài tiền một cách thỏa đáng.

Tôi thấy ở đây bước đầu đã xuất hiện sự chuyên nghiệp, nhưng chỉ mới ở một số công ty du lịch, do biết học hỏi từ những nơi đã phát triển khác. Còn nhìn chung, vẫn còn nhiều mặt chưa chuyên nghiệp, mang tính nhỏ, lẻ. Tôi kinh doanh ở nhiều điểm du lịch và đáp ứng từ nhân viên đến phương tiện tương thích với đẳng cấp ở những nơi đó. Tôi thấy rằng muốn làm du lịch cao cấp thì cần đầu tư sâu hơn. Ví dụ nhân viên phải có đủ kiến thức để biết với khách Mỹ thì sẽ nói chuyện gì, với khách Nga sẽ đối xử ra sao... Đồng thời, tôi nghĩ cần có một tư duy khác về sự liên kết, phải hình thành những nhóm, liên minh, phải giúp nhau tự quảng bá thì mới mạnh được. Nhưng ai sẽ làm đầu tàu tạo nên sự liên kết này? Từng doanh nghiệp hay Sở Du lịch?

* Ông làm du lịch rất sớm, có nhiều lợi thế, nhưng không nắm bắt được những dự án “vàng” mà những người đi sau ông có được. Cảm giác của ông thế nào?

- Ngày trước tôi tính toán rất thận trọng và thấy không làm được nên không theo đuổi. Cơ hội chỉ đến một lần, tôi tiếc chứ, nhưng lỡ qua rồi thì đành chịu vậy. Khi việc không hợp với mình mà cứ cố làm thì sẽ làm không được. Tính tôi chuộng sự an toàn, khi làm gì cũng phải tính trước, tính sau. Đôi khi vì tính kỹ quá nên bỏ lỡ cơ hội. Nhưng tôi cũng chưa hài lòng rồi dừng ở đây, mà sẽ phát triển rộng hơn lĩnh vực đang làm. Hướng đi tới của tôi là như thế.

* Trước nhu cầu phát triển, Nha Trang có hai quan điểm về ứng xử với cảnh quan thiên nhiên. Hoặc là giữ nguyên, hoặc là chấp nhận hy sinh, thay đổi cảnh quan để xây dựng các công trình du lịch. Ông thuộc quan điểm nào?

- Nếu giữ “nguyên đai nguyên kiện” thì cũng phải thực sự đảm bảo tính bảo tồn, như cách làm của khu resort Evason. Nhưng đó là một khu nghỉ dưỡng sang trọng, chỉ có thể đón một lượng khách hạn chế. Trong khi nhu cầu phát triển của du lịch còn có những sự kiện lớn, cần những nơi có thể chứa 2.000 - 3.000 người, như các cuộc thi hoa hậu vừa rồi. Vậy thì không gian ở đâu để xây những công trình lớn đó? Nếu có sẵn đất trống, thì lâu nay cũng đã có người ở hết rồi.

Cho nên, để xây dựng, bắt buộc phải thay đổi, cải tạo một phần thiên nhiên. Cải tạo chứ không phải tàn phá thiên nhiên như chữ chúng ta vẫn thường dùng. Tôi cho cách cải tạo này vừa sắp xếp, tô điểm lại thiên nhiên, vừa phục vụ được nhu cầu phát triển một cách có văn hóa. Các nhà đầu tư của các công trình này rất khổ, chứ không phải chỉ có hưởng lợi thôi. Nếu họ không làm, thì bây giờ làm sao Nha Trang có những công trình lớn như đang có? Các nhà khoa học có phê bình thì hãy đứng trên tầm nhìn dân sinh hơn một chút, để dân chúng tôi ở đây còn có thêm công trình, thêm công ăn việc làm, chứ cứ gán ghép “bảo tồn” hay “tàn phá” đơn thuần thì nói rất dễ.

Quan điểm của tôi là như thế. Đã cải tạo thì phải chấp nhận một vài thay đổi. Dòng suối có đẹp đến thế nào thì cũng không thể cứ để nguyên mãi như thế, du khách chỉ đến nhìn rồi về, mà phải xây cầu, có nơi ngắm cảnh, sảnh để vui chơi... thì người ta mới có không gian thưởng ngoạn suối nhiều hơn.

* Ông thấy các nhà đầu tư đang làm tốt công tác cải tạo thiên nhiên đến mức nào, thay vì dư luận chỉ xét nét họ đã phá vỡ cảnh quan?

- Họ đang làm rất tốt. Ví dụ như Diamond Bay, những thảm san hô nguyên thủy đã chết lâu rồi, thoái hóa cả rồi, và doanh nghiệp đã lấp cái cũ đi, nuôi lại cái mới, mảng nào ra mảng đó, chỗ này làm bãi tắm, chỗ kia nuôi san hô. Nếu không thì cả bãi mênh mông như thế, đâu còn cụm san hô nào sống nổi.

Vô bãi Dài ở Cam Ranh sẽ thấy, cứ để hoang sơ như vậy hoài thì nó sẽ mãi mãi hoang vắng. Có những người tôi quen nói rằng, cho họ 10 năm, họ sẽ xây dựng nên một thành phố đẹp ở bãi biển này. Tôi nghĩ phải như thế. Phải cho cải tạo, phải cho xây dựng nhưng trong một tầm nhìn quy hoạch thì mới phát triển được. Tôi được biết ở đó cũng đã có hoạch định đâu ra đó rồi, ai muốn đầu tư cũng phải bỏ 25 triệu đô-la/ha. Mà những ông chủ của số tiền này chắc chắn sẽ có cái đầu không vừa! Họ sẽ làm tốt, cải tạo tốt còn hơn cứ bỏ hoang rồi thành nơi du lịch với buôn thúng bán mẹt, hàng quán manh mún. Phải cải tạo, không thì không thể phát triển được.

* Tâm trạng chung của giới kinh doanh và người dân Nha Trang có giống như ông không? Hay người ta mong muốn giữ lại vẻ nguyên sơ cho thành phố mình?

- Nhiều “trường phái” lắm. Thỉnh thoảng nhiều người đọc báo viết về công trình này nọ phá vỡ cảnh quan thì họ sẽ bảo rằng bảo tồn là hay nhất. Thế là lại tranh luận. Đó cũng là một quan điểm du lịch, nhưng đôi khi lại chỉ vì cái tôi của họ. Có thể họ đang nắm giữ những khu vực đẹp mà chưa muốn bỏ vốn ra hoặc kêu gọi đầu tư chưa được. Thế nên họ muốn cả hội cũng phải giữ nguyên, không làm gì cả hoặc chỉ làm manh mún thôi.

* Ông có thấy cuộc sống của người dân Nha Trang giàu và sang hơn theo sự phát triển của du lịch?

- Nước lên thì thuyền lên. Tôi thấy từ người buôn bán ở chợ Đầm cho đến các công ty dịch vụ du lịch đều phải nâng tầm mình lên theo cách làm mới của những nhà đầu tư mới sau này.

* Những khu đất “màu mỡ” của Nha Trang đã và đang thu hút người ở nơi khác đến đầu tư. Họ trở thành chủ của những công trình kinh doanh hấp dẫn ở đây, trong khi “chủ nhà” lại trở thành người đi sau, thành khách của họ. Cũng đã có tâm lý đố kỵ rồi, riêng ông, là một doanh nhân bản địa, ông thấy thế nào?

- Phải trải thảm đỏ để chào đón những nhà đầu tư mới. Còn người trong nhà, nguồn lực đầu tư không có, tầm nhìn không có, lại chẳng được đào tạo, không được đi xa để trông rộng, để biết mình nên làm gì, vậy thì phải ủng hộ và cùng làm với những nhà đầu tư mới đến. Sẽ rất tầm bậy khi quan niệm rằng, “nó” ở đâu đến mà làm giàu trên xứ mình. Đúng là có nhiều người có quan điểm đố kỵ kiểu đó.

Những người mới đem đến đây phong cách, đẳng cấp mới thì dân địa phương nên theo phong cách, đẳng cấp đó để cùng phát triển. Như vậy có nghĩa là vô tình mình cũng đã lên sao, lên đẳng theo họ rồi. Tuy nhiên, cũng phải tùy từng cung bậc mà hưởng ứng, như giai đoạn này, làm cái gì cũng phải tính kỹ hơn.

Dân Khánh Hòa nói chung có một đặc điểm là ít dám vay tiền để làm du lịch hay kinh doanh. Họ có tính thận trọng, không muốn phải lo nghĩ. Ôm năm, ba tỷ tiền vay của Nhà nước là tối không ngủ được. Mà ngủ không được, cứ lo nợ tiền, lo thất bại không trả được nợ thì còn làm ăn gì được nữa? Thận trọng là tốt, nhưng không đẩy tốc độ phát triển lên được thì sẽ chỉ lẩn quẩn trong vườn nhà thôi. Còn những nhà kinh doanh từ xa đến giống như thép đã tôi rồi, mới làm lớn được.

• Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Phải chấp nhận cải tạo thiên nhiên”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO