Nita Ing - Bà hoàng kinh doanh của Châu Á

Nguồn AsianWeek và AsiaINC| 27/09/2009 09:05

Mọi người biết đến bà như một nữ DN thành đạt nhất thế giới, người mà trong tay đang sở hữu dự án đầu tư lớn nhất thế giới với tổng trị giá lên đến 15 tỷ USD.

Nita Ing - Bà hoàng kinh doanh của Châu Á

Mọi người biết đến bà như một nữ doanh nhân thành đạt nhất thế giới, người mà trong tay đang sở hữu dự án đầu tư lớn nhất thế giới với tổng trị giá lên đến 15 tỷ USD. Đó chính là Nita Ing, chủ tịch Tổ hợp xây dựng Taiwan High Speed Rail Corp và công ty xây dựng Continental Engineering.

Nita Ing, chủ tịch Tổ hợp xây dựng Taiwan High Speed Rail Corp và công ty xây dựng Continental Engineering.

Hiện Nita Ing là người giám sát chính công trình đường xe lửa cao tốc nối hai thành phố lớn nhất của Đài Loan là Đài Bắc và Cao Hùng trị giá 15 tỷ USD mà liên doanh Taiwan High Speed Rail Corp đã trúng thầu trong một tranh đua đầy khó khăn. Trong suốt chặng đường của mình, Nita Ing có được sự hỗ trợ khá lớn từ cha cũng như những thành viên khác trong gia đình. “Không dễ dàng gì khi là người chịu trách nhiệm chính cho một dự án đầu tư lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cha tôi và anh chị em trong gia đình luôn động viên tôi vượt qua khó khăn này”, Ing tâm sự.

Tính cách Mỹ trong một người Trung Quốc hiện đại

Trong một hình dung nào đó, Nita Ing là biểu tượng của một thế hệ Đài Loan mới, những con người trẻ tuổi nhưng đã được tiếp thu nền giáo dục tân tiến của Mỹ, một thế giới giàu có nhưng làm việc chăm chỉ, duy tâm chính trị nhưng rất thực dụng, tự tin và luôn có “tâm hồn” kinh doanh. Sinh ra và lớn lên tại Đài Loan trong một gia đình gốc Trung Quốc lục địa, ở Nita Ing có sự pha trộn giữ một Trung Quốc hiện đại và những giá trị Mỹ luôn quyết tâm đi theo con đường của mình.

Nita Ing vốn là con nhà nòi trong ngành xây dựng. Năm 1944, ở Trung Quốc, cha cô đã lập ra công ty xây dựng Continental, nhận thi công sửa chữa các toà nhà bị tàn phá trong chiến tranh. Năm 1947, ông đưa gia đình đến Đài Loan làm ăn sinh sống. Cha cô, Chihou Ing, chuyển từ Trung Quốc lục địa sang Đài Loan vào năm 1949. Khi con nhỏ, Nita Ing hoàn toàn không có dự định trở thành một nhà thầu xây dựng hay một nhân vật có ảnh hưởng chính trị.

Là đứa con gái út, cha và chị bà đến hơn bà 8 tuổi, Nita Ing có cá tính khá mạnh mẽ. Mọi người nhớ lại lúc Ing tròn 13 tuổi, cha mẹ quyết định gửi bà sang Mỹ du học. Không đồng ý, Ing đã tự giam mình trong phòng và vẽ nhiều bức tranh lên tường. Điều này khiến việc đi học bị trì hoãn trong một thời gian. Sau đó, khi sang Mỹ du học tại trường trung học Massachusetts và New Jersey, mặc dù với phát âm chưa chuẩn nhưng bà tỏ ra rất ấn tượng trong các buổi thuyết trình. Ba năm sau, Nita Ing thôi học và trở lại Đài Loan theo học trường nghệ thuật Praying Mantis.

Vào năm 1970, Nita Ing quay trở lại Mỹ học tại trường Đại học California, Los Angeles, chuyên ngành kinh doanh. Thần tượng của Nita Ing lúc đó là nhà cách mạng người Cuba, Che Guevara và ngôi sao nhạc rock Jim Morrison. Từ cuộc sống và ý tưởng của họ, bà bắt đầu có những quan điểm cho riêng mình và muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1978 và trở về Đài Loan, bà đã cảm thấy sốc ghê gớm khi quốc gia nhỏ bé này bị đặt trong tình trạng thiết quân luật. Có thời điểm, Nita Ing cảm thấy không thể sống nổi ở Đài Loan và có kế hoạch rời quốc gia này sang Mỹ sinh sống, nhưng sự phát triển của một nền dân chủ sau đó đã níu kéo bà. Nita Ing tham gia lực lượng chính trị đối lập chống lại tình tạng thiết quân luật, mặc dù vậy, bà không bao giờ quá tích cực tham gia vào chính trị.

Vào cuối thập niên 1990, Nita Ing ly dị chồng, một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, khi đã có hai con gái. Ing đã nuôi dạy chúng với tư cách là một người mẹ độc thân. “Cô tổ chức sinh nhật mà không có chồng bên cạnh cũng như không quan tâm những gì mọi người nghĩ”, Hsu Lu, sáng lập viên Đài phát thanh Voice of Taipei và cũng là một người bạn của Ing cho biết, “Cô được xem là người phụ nữ mạnh mẽ một cách phi thường trong việc phá vỡ những giá trị truyền thống”. Nita Ing luôn bảo vệ mạnh mẽ sự riêng tư của những đứa con gái và cho biết luôn thích thú vai trò làm mẹ. “Ngày nào cũng vậy, tôi đều cố gắng dành thời gian bên cạnh con gái mặc dù thời gian không cho phép với lịch làm việc dày đặc”, Nita Ing nói.

Truyền thuyết mới trong giới kinh doanh Đài Loan

Sau khi tốt nghiệp đại học California, Los Angeles, bà đã vào làm việc cho cha mình tại công ty Continental cũng trong lĩnh vực xây dựng. Sau thời gian đầu đảm nhiệm vị trí trợ lý cho cha, Ing bà trải qua chặng đường dài tại nhiều phòng ban khác nhau trong Continental Engineering. Tại đây, những gì Nita Ing học được không phải là kinh nghiệm kinh doanh mà bà học được cách để yêu thích nó. “Tôi thấy có một sự quan tâm kỳ lạ đến ngành công nghiệp xây dựng”, Ing nói, “Nó có thể đã ăn vào máu thịt tôi”. Điểm thuận lợi cho Nita Ing là các anh chị em của bà đã lựa chọn một cuộc sống bình thường tại Mỹ, anh bà là một nhà khoa học, còn chị là một người nội trợ. Do đó, Nita Ing là người duy nhất có thể kế tục sự nghiệp của cha mình. Vào năm 1987, ở độ tuổi 32, Nita Ing đã chính thức được trao vị trí chủ tịch Continental Engineering từ tay người cha của bà.

Lúc đó Continental Engineering có doanh thu khoảng 200 triệu đôla Đài Loan. Ngày nay, sau hơn 15 năm, Continental đã đạt doanh thu 15 tỷ đôla Đài Loan với 661 triệu đô la Đài Loan lợi nhuận. Việc loại bỏ tham nhũng đối với Ing luôn là ưu tiên hàng đầu. Theo Nita Ing, chỉ khi không còn tham nhũng thì hoạt động kinh doanh mới thực sự ổn định và phát triển. Ing rất quyết tâm thiết lập một hình mẫu công ty minh bạch và lành mạnh và đã từng nói: “Tôi mong chờ một ngày nào đó toàn bộ quốc gia nơi tôi đang sinh sống sẽ không còn tham nhũng và hối lộ. Đây là một chính sách dài hạn cần có sự tham gia của mọi người và cũng sẽ có nhiều vấn đề khó khăn mà chúng ta phải sẵn sàng đối phó”.

Trong lĩnh vực xây dựng, Nita Ing luôn thể hiện rõ bà là một chuyên gia thực thụ. Các công trình của bà đều phản chiếu hai mặt đối lập nhau, đó là sự cân bằng giữa nghệ thuật (thiết kế và kiến trúc) với tính thực dụng (tài chính và thi công). “Các chủ đầu tư không cần tôi về mức độ kỹ thuật nhưng những gì tôi có thể đưa cho họ là những phương sách và mức độ hợp lý trong xây dựng công trình”, Nita Ing nói, “Mọi dự án đều là một thách thức mới đối với tôi”. Với cương vị chủ tịch Continental Engineering, bà đã quản lý và thực hiện rất nhiều dự án lớn như hệ thống tàu điện ngầm Đài Loan, toà nhà thương mại Đài Bắc và đẩy mạnh mở rộng hoạt động của công ty ra thế giới với nhiều vụ đầu tư ở Đông Nam Á, Trung Đông và Mỹ.

Nita Ing đã hình thành nên Tổ hợp xây dựng Taiwan High-Speed Rail Corp. Sẽ rất đáng chú ý khi Nita Ing là người phụ nữ duy nhất nhưng lại giữ chiếc ghế chủ tịch của bốn ông chủ lớn khác của Đài Loan, những nhà tư bản lớn rất có tiếng tăm từ thập niên 40 và 50.

Chiến thắng đầy sức thuyết phục

Với trang phục trong bộ vest sẫm màu và luôn trang điểm sáng màu, bà hoàng xây dựng 48 tuổi này giờ đây đã là chủ tịch của một trong những công ty xây dựng lớn nhất Đài Loan. Hơn thế nữa, Nita Ing dường như còn tạo ra một truyền thuyết trong giới kinh doanh khi người phụ nữ nhỏ bé này “lãnh đạo” một nhóm những người đàn ông có “máu mặt” tại Đài Loan tranh đua nhằm dành được dự án đầu tư lớn nhất thế giới một cách thần kỳ. Đó là hợp đồng xây dựng 345 km đường xe điện cao tốc trị giá 15 tỷ USD.


Đối thủ trong cuộc đua của Ing là tập đoàn China Development Corp. (CDC), công ty do một thành viên của đảng KMT quản lý và điều hành. Chính vì lý do này mà nhiều người nhận định rằng sẽ không có cơ hội nào cho Nita Ing cả. Trong suốt thời gian cầm quyền của mình, đảng KMT, một trong những Đảng chính trị giàu có nhất thế giới, luôn dành những hợp đồng béo bở cho các công ty “họ hàng”, hạn chế việc cạnh tranh lành mạnh từ các công ty khác.

Nhưng đối với Nita Ing, sức ép này không làm bà nản chí. Cùng với Continental Engineering và bốn công ty tư nhân khác của Đài Loan là người khổng lồ trong lĩnh vực giao nhận hàng hoá Evergreen, tập đoàn tài chính Fubon, hãng viễn thông Pacific Electric Wire & Cable và nhà sản xuất điện tử tiêu dùng TECO, Nita Ing đã hình thành nên Tổ hợp xây dựng Taiwan High-Speed Rail Corp. Sẽ rất đáng chú ý khi Nita Ing là người phụ nữ duy nhất nhưng lại giữ chiếc ghế chủ tịch của bốn ông chủ lớn khác của Đài Loan, những nhà tư bản lớn rất có tiếng tăm từ thập niên 40 và 50. “Từ khi bắt đầu, chúng tôi thấy CDC là một đối thủ nặng ký”, bà nói, “Đánh bại họ sẽ không dễ dàng chút nào.

Tôi thậm chí đã không dám nghĩ về điều đó. Nhưng chúng tôi đã làm được”. Vào tháng 9 năm 1997, Bộ giao thông Đài Loan đã gật đầu để Tổ hợp của Nita Ing thực hiện dự án với mức giá bỏ thầu 13,9 tỷ USD, thấp hơn 1,8 tỷ USD so với mức giá bỏ thầu CDC. “Tất cả sức mạnh của chúng tôi không thể so sánh được với cô ta”, Tsai Ming-chung, CEO của tập đoàn Fubon Financial, khi được hỏi tại sao ông bổ nhiệm Nita Ing vào vị trí nữ chủ tịch Taiwan High-Speed Rail Corp.

Nhưng cuộc chơi thực sự mới chỉ bắt đầu. “Sự việc không quá khó khăn cho đến khi chúng tôi thực sự giành thắng lợi”, Nita Ing nói, “Đó là lúc CDC tố cáo chúng tôi có một số hành vi phạm pháp trong cuộc đấu thầu. Những thách thức lớn đã phát sinh”. Ing và các đối tác nhận thấy đối thủ của họ không dễ chơi chút nào. Liu Tai-ying, chủ tịch CDC, một thành viên cấp cao của đảng KMT và là một người bạn thân của tổng thống Đài Loan lúc đó là Lee Teng-hui. Liu đe doạ đến khoản vay 10 tỷ USD từ các ngân hàng của High-Speed Rail Corp. Liu cũng khởi động một cuộc chiến trên báo chí và truyền hình khi công bố với các tờ báo rằng: “Tôi nghi ngờ liệu liên doanh của Nita Ing có thể làm tốt công việc hay không?”.

Các đối tác nam giới của Nita Ing muốn có muốn cuộc phản công thực sự, nhưng Nita Ing đã lựa chọn một giải pháp mềm mỏng hơn. Khi Liu chế nhạo trên truyền hình rằng Tổ hợp xây dựng của Nita Ing chỉ là “năm đứa trẻ chơi với một chiếc ôtô lớn”, Nita Ing đã đáp trả một cách hóm hỉnh: “Vâng, tôi là một đứa trẻ. Tôi còn trẻ. Nhưng tuổi trẻ bao giờ cũng tốt hơn tuổi già”. Sự khéo léo của bà đã làm lệch hướng các đợt tấn công của Liu và cuối cùng đã giành thắng lợi với sự đồng tình của người dân Đài Loan cùng niềm tin của các ngân hàng. Tháng 7 năm 1999, Bộ giao thông Đài Loan đã chính thức ký vào bản Hợp đồng đầu tư với Taiwan High-Speed Rail Corp. “Không có sự lãnh đạo của cô, dự án sẽ không thể đi xa”, Daniel Tsai, giám đốc Fubon Insurance cho biết, “Nếu bất cứ ai trong số những người đàn ông như chúng tôi làm chủ tịch, có lẽ chúng tôi đã phải khăn gói ra đi từ sớm”

Trong cơn sóng gió tiếp theo, Nita Ing phải chèo lái con tàu Taiwan High-Speed Rail Corp vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác. Tổ hợp xây dựng của bà lúc đầu đặt ra kế hoạch sử dụng công nghệ từ châu Âu, cụ thể là từ tập đoàn Siemens của Đức và Alstom của Pháp. Nhưng với giá thầu thấp, Nita Ing buộc phải yêu cầu các đối tác châu Âu giảm giá. Sau khi những đối tác này đã từ chối, Ing đành chuyển sang hợp tác với hãng Mitsubishi, Nhật Bản, tập đoàn đứng đằng sau cuộc chạy đua của CDC, mặc dù biết rằng với động thái này mình sẽ phải hứng chịu búa rìu dư luận. Quả thật, ngày lập tức, phương tiện truyền thông Đài Loan cho rằng bà làm như vậy để thoả lòng KMT, khi mà chủ tịch Lee của KMT, người thừa hưởng nền giáo dục của Nhật Bản, tuyên bố việc sẽ sang Nhật sinh sống lúc về hưu. Một số đối tác đã giận dữ và đổ lỗi cho quyết định này là hành vi chính trị. Ing phủ nhận điều này. “Chỉ đơn thuần từ những lý do kinh tế buộc chúng tôi phải đến với Mitsubishi", Nita Ing quả quyết.

Nhưng dù lý do thực sự có là gì đi nữa thì quyết định này đã cho thấy Ing có thể xoay chuyển tình hình và đàm phán vì mục đích tốt nhất cho Taiwan High-Speed Rail Corp. “Cô là người phụ nữ và phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị. Việc này không dễ dàng chút nào”, Evelyn Hsu, giám đốc tạp chí Business Weekly tại Đài Loan cho biết.

Và với chiến thắng “thần kỳ” này, Nita Ing xứng đáng được mọi người trong giới kinh doanh khâm phục. Đây là phần thưởng lớn nhất trong sự nghiệp của bà. “Rất nhiều người trong chúng tôi nhìn nhận chiến thắng của Ing như một cuộc cách mạng thực sự”, Hsu cho biết, "Cô ấy được xem là một nữ anh hùng trong giới kinh doanh".

Ảnh hưởng trong giới chính trị

Sau những thành công trong kinh doanh, có lẽ sự nghiệp của Nita Ing đã rẽ sang hướng khác khi cuối thập niên 90 nếu bà nhận lời mời đồng tranh cử của Chen Shui-bian, ứng cử viên tranh chức tổng thống Đài Loan trong cuộc bầu cử năm 2000 và sau đó ông giành thắng lợi để trở thành tổng thống.

Vào mùa hè năm 1999, vị chủ tịch tương lai của Đài Loan đã hỏi ý kiến xem Ing có đồng ý là người đồng tranh cử với ông không. "Chính trị không phải là nghề của tôi. Nó là một cuộc chơi mà một khi bạn có nó thì sẽ không còn đường thoát, đặc biệt là tại Đài Loan. Tôi không thích quyền lực, nhiệm vụ của tôi là giúp Đài Loan thoát khỏi những chính sách kinh tế nghèo nàn khi đó với một nhà lãnh đạo mới”, Nita Ing nói. Đương nhiên Chen Shui-bian đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa ra đề nghị của mình. Việc này xảy ra trước khi Chen giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2000 đã phá vỡ quãng thời gian dài cầm quyền 5 năm của dòng họ Kuomintang (KMT).

Tuy nhiên, bà đã cho thấy ảnh hưởng của mình khi bà tuyên bố sẽ ủng hộ cuộc tranh cử của ứng cử viên Đảng dân chủ cấp tiến Chen Shuibian. Bà thường xuyên mời Chen tới tham quan Continental Engineering và giúp đỡ về mặt tài chính. Và rồi, khi Chen công bố Danh sách những cố vấn chính sách quốc gia vào thời gian cuối cuộc tranh cử, Ing đã nổi lên như một nhân vật chủ chốt nhất, mặc dù bà là người trẻ nhất và cũng là người phụ nữ duy nhất. Giữa những người đồng nghiệp có ảnh hưởng như Chang Yung-fa, 70 tuổi, chủ tịch tập đoàn Evergreen; Shi Wen-lung, 73 tuổi, chủ tịch tập đoàn nhựa Chi Meis và Stan Shih, 55 tuổi, chủ tịch tập đoàn máy tính Acer, Nita Ing luôn chứng tỏ sự quyết đoán và vị thế của mình.

Mục đích duy nhất của Nita Ing khi tham gia hỗ trợ cuộc tranh cử là tạo dựng một Đài Loan mới phát triển hơn. Sau chiến thắng của Chen, nhóm tư vấn của ông đã thành lập một chính phủ mới. Nhưng Ing từ đó đến nay vẫn ở ngoài cuộc chơi chính trị và chỉ được biết đến với tư cách là một nữ tỷ phú có quan hệ gần gũi với tổng thống Chen. “Tôi ủng hộ Chen và cầu chúc cho ông ta những gì tốt đẹp nhất”, bà nói, “Tôi không lợi dụng chính trị để phục vụ các hoạt động kinh doanh của mình. Nếu ông ta làm một điều gì đó điên rồ, tôi sẽ sẵn sàng ủng hộ người muốn lật đổ ông ấy”.

Không tham gia vào chính trị, ngoài thời gian trong công việc, Ing đã hướng đến những hoạt động từ thiện tại Tổ chức từ thiện Hua Ran chuyên nuôi dưỡng những trẻ em nghèo từ khắp nơi trên thế giới do bà thành lập.

Và ngày nay, làm việc trong văn phòng đơn giản và trang nhã của mình tại Continental Engineering, Nita Ing vẫn tiếp tục ước mơ của mình về một Đài Loan mới. Mặc dù sức ép từ nhiều phía đã dịu bớt nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức chờ đợi Nita Ing trong một ngành công nghiệp đầy gian khó như xây dựng. Bạn bè cho rằng nguyên nhân giúp Nita Ing thành công trong một môi trường kinh doanh đầy căng thẳng như vậy là nhờ khả năng ngồi thiền hàng ngày của bà.

Còn các trợ lý lại giải thích rằng đó là nhờ sự tập trung trong công việc. “Bà luôn tập trung và không bao giờ cáu giận với nhân viên bởi bà chỉ cần duy nhất nheo lông mày một cái là bạn có thể cảm thấy sức nóng”, một trợ lý của Ing nói. Quả thật, trong con người Nita Ing, bà tập trung đến các công việc kinh doanh hơn là chiếc ghế quyền lực, đúng như Hsu đã nói: “Nếu muốn, Nita Ing đã có được chiếc ghế này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nita Ing - Bà hoàng kinh doanh của Châu Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO