Nghĩ nhanh, đi nhanh, tiến chắc

01/06/2013 07:36

Cái được lớn nhất của tôi kể từ khi làm Tổng giám đốc FPT Telecom là xây dựng được một đội ngũ cán bộ, nhân viên kết nối chặt chẽ hơn, một sự kết nối theo kiểu tầng tầng, lớp lớp để mang lại sức mạnh cho Công ty"

Nghĩ nhanh, đi nhanh, tiến chắc

Trẻ, tất nhiên rồi, vì Nguyễn Văn Khoa mới 36 tuổi. Thậm chí, có thể là quá trẻ để ngồi vào cương vị Tổng giám đốc của FPT Telecom, đơn vị mà năm 2012 vừa qua, đã đạt lợi nhuận cao nhất Tập đoàn FPT, với 685 tỷ đồng. Nhưng, đó là sức trẻ và sự xông xáo cần thiết để có thể làm lãnh đạo trong một ngành kinh doanh đầy tính sáng tạo, mà chỉ cần đi chậm một nhịp, đã có thể bị bỏ lại phía sau.

1.

Nguyễn Văn Khoa nhận chức vụ Tổng giám đốc FPT Telecom từ 1/1/2012

Là tôi thấy Khoa trẻ, ít ra là so với hình dung của mình trước khi gặp anh. Chứ Khoa bảo, anh không hề trẻ để ngồi vào chiếc ghế CEO của FPT Telecom, từ ngày 1/1/2012. Vì anh đã “trót” lấy vợ từ năm 26 tuổi, “trót” gắn bó cả một thời trai trẻ ở FPT. Và trước khi chính thức nhận chức Tổng giám đốc của FPT Telecom, đã có một thời gian làm Phó tổng giám đốc thường trực. “Một công ty chuyên về công nghệ viễn thông, thì cần những người điều hành trẻ, xông xáo, bản lĩnh”, Khoa nói thế.

Khoa biết FPT từ năm 1997, khi đang là sinh viên năm thứ hai, Khoa Du lịch của Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), và khi FPT đang rất “nổi” với mạng Trí tuệ Việt Nam. Biết, mê, rồi xin đến làm việc bằng được.

Lúc đầu là làm bán thời gian, như một nhân viên kỹ thuật “nửa mùa”, ngoài giờ học trên lớp, thì suốt ngày rong ruổi xe máy khắp Hà Nội để cài đặt mạng cho khách hàng. Cuối năm 1997, khi Việt Nam bắt đầu có mạng Internet, Khoa lại cùng các đồng sự mày mò, tìm tòi để phát triển.

“Tôi có may mắn được làm việc cùng và học hỏi những "người thầy" giỏi. Người cho tôi biết về kỹ thuật, người dạy kinh doanh, người bày cách quản trị”, Nguyễn Văn Khoa kể thế và bảo, cũng xác định, các bạn sinh viên khác phải mất 5 năm trên ghế nhà trường để học về công nghệ, Khoa cũng sẽ “chi” 5 năm của cuộc đời mình để học ở “trường FPT”.

Có điều, Khoa vừa học, vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm. Học trái nghề, nên Khoa biết, chẳng có cách nào khác là phải tự học hỏi, phải làm việc thật nhiều. Làm từ sáng đến 12 giờ đêm, có khi ngủ lại ở công ty. Người khác, chỉ cần làm đủ 8 tiếng một ngày, mình thì cần nhiều hơn. Cứ tâm niệm rằng, mình làm 8-10 tiếng một ngày trong nhiều năm, thì sẽ làm và học được nhiều hơn họ.

Cần cù, chăm chỉ thế, nên năm 2003, có thể nói, Khoa đã “tốt nghiệp trường FPT”, chậm hơn 4 năm so với lần tốt nghiệp đại học thứ nhất, năm 1999. Lúc ấy, cũng đã trải qua 5 năm kinh qua đủ vị trí trong FPT Telecom, từ nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, rồi nhân viên kinh doanh, trưởng phòng, nên cùng với “lễ tốt nghiệp”, Khoa được tin tưởng giao phó làm Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng của FPT Telecom.

“Khi ấy, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL. Và tôi, một "anh" hoàn toàn ngoài ngành đã được giao nhiệm vụ ấy. Nhưng thực ra, sau 5 năm ăn, ngủ và làm việc cật lực, say mê với FPT, tôi đủ tự tin về mặt kỹ thuật. Cái thiếu, chỉ là con người. Tôi phải tìm người hỗ trợ và rất may, rất đông người ủng hộ”.

Có người ủng hộ, nên ADSL của FPT chỉ 6 tháng sau gần như đã phủ khắp Hà Nội. Những trạm thu phát sóng, nhìn chẳng khác nào chiếc chuồng gà, nhưng có sứ mạng thật vĩ đại và có lẽ, khi ấy, là một cuộc “cách mạng” đối với dịch vụ cung cấp ADSL ở Việt Nam.

Vượt qua được cái “ngưỡng” quan trọng nhất, Khoa cứ từ từ thẳng tiến. Muốn có tầm nhìn rộng hơn, Khoa xa Hà Nội, tới phát triển thị trường mới ở Hải Phòng, rồi TP.HCM, 2 năm sau lại sang Campuchia… Khoa đi miết, lang thang khắp mọi xó xỉnh, ngóc ngách của các thị trường mới để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cấp khả năng cung cấp dịch vụ. Đi nhiều đến nỗi, hồi năm 2003, khi cưới vợ, Khoa chỉ kịp về nhà trước lễ cưới 3 ngày.

Khoa là thế. Đã muốn làm gì là quyết tâm làm bằng được, với sự say mê, sức làm việc không mệt mỏi. Những đồng nghiệp của Khoa trong FPT đã nhận xét về anh như vậy. Còn Khoa bảo, đó cũng là bài học mà anh học được từ người thầy Trương Đình Anh, rằng muốn làm gì thì phải tập trung sức lực làm tới cùng, không được từ bỏ.

2.

Không bao giờ được từ bỏ, nên tính đến nay, Nguyễn Văn Khoa đã có 16 năm làm việc ở FPT, trải qua gần như hầu hết các vị trí ở FPT Telecom. Cũng vì vậy mà anh hiểu rõ Công ty đến từng chân tơ kẽ tóc, từ con người, đến mô hình hoạt động…, rất thuận lợi khi ngồi vào “chiếc ghế nóng” ở FPT Telecom.

Cũng phải, 16 năm ở FPT và có lẽ, sẽ còn lâu hơn nữa, khi trọng trách hiện thời của anh là gánh vác FPT Telecom, với gần 5.000 nhân viên. Nếu đến FPT vì cái duyên, vì sự may mắn, thì Khoa ở lại FPT là vì sự đam mê, sự gắn bó dường như là máu thịt với các đồng nghiệp của mình. Vì ở FPT có môi trường làm việc tuyệt vời, nơi mà mọi người đều có thể khẳng định năng lực và cái tôi cá nhân của mình.

“Nếu tôi ở phía sau, có người đi lệch, tôi sẽ biết để điều chỉnh. Tôi cũng muốn lùi lại phía sau, để tạo một không gian làm việc thật rộng lớn cho nhân viên, để họ có mọi cơ hội để phát triển”

Khoa kể, từ ngày anh lên làm Tổng giám đốc FPT Telecom, điều lớn nhất mà anh làm được có lẽ là giúp cán bộ, nhân viên có được sự cân bằng cần thiết trong kinh doanh, để họ biết lùi lại phía sau và nhận rõ mọi cơ hội, thách thức, cũng như những rủi ro mà mình sẽ phải đối mặt.

“Kết quả kinh doanh thành công của năm qua là sự kế thừa của những năm trước. Cái được lớn nhất của tôi kể từ khi làm Tổng giám đốc FPT Telecom là xây dựng được một đội ngũ cán bộ, nhân viên kết nối chặt chẽ hơn, một sự kết nối theo kiểu tầng tầng, lớp lớp để mang lại sức mạnh cho Công ty”, Nguyễn Văn Khoa nói và kể rằng, khi bắt đầu nhận chức, anh đã đưa ra hai sự lựa chọn: một là tập trung cho kinh doanh, cho kế hoạch doanh thu, lợi nhuận, hai là phát triển tổ chức.

Phương án thứ hai được lựa chọn, để dù doanh thu, lợi nhuận có thể chậm hơn, nhưng lại bền vững hơn. Nói là vậy, nhưng thực tế, năm 2012 vừa qua, FPT Telecom vẫn có lợi nhuận cao nhất Tập đoàn. Và tất nhiên, vai trò của Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa là không nhỏ.

Luôn hiểu mình là một “leadership”, là người đứng đầu, người ra các quyết định, ở FPT - yếu tố này cực kỳ được coi trọng, nhưng Khoa bảo, anh chỉ như chiếc “cầu sau của xe cải tiến”. Nghĩa là anh muốn lùi lại đằng sau để giúp đồng nghiệp của mình phát triển một cách nhanh nhất.

“Nếu tôi ở phía sau, có người đi lệch, tôi sẽ biết để điều chỉnh. Tôi cũng muốn lùi lại phía sau, để tạo một không gian làm việc thật rộng lớn cho nhân viên, để họ có mọi cơ hội để phát triển”, Khoa cười nhẹ.

Hóa ra, Khoa không… trẻ như tôi nghĩ. Ở anh có một sự điềm tĩnh đến kỳ lạ, mà ở vào tuổi của mình, không mấy người có được. Càng lạ hơn, khi Khoa nói, điểm nổi trội nhất của anh chính là khả năng thỏa hiệp. Thực ra, tôi không thích hai chữ “thỏa hiệp”. Nói đúng hơn, theo cách nghĩ của tôi, đó là khả năng dẫn dắt, đoàn kết mọi người trong Công ty, khả năng thuyết phục mọi người cùng đồng tâm nhất trí theo đuổi chiến lược phát triển của FPT.

3.

Năm 2012, FPT Telecom giữ vị trí là đơn vị có lợi nhuận cao nhất Tập đoàn, với 685 tỷ đồng. Còn năm nay, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận là 4.500 tỷ đồng và 855 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm, FPT đã đạt 115% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Âu cũng là một sự khởi đầu cho những thành công của năm thứ hai, Nguyễn Văn Khoa giữ cương vị CEO của FPT Telecom.

Nhưng anh bảo, ấp ủ của anh còn nhiều lắm. Trong chiến lược toàn cầu hóa, ngày 13/6 tới đây, FPT Telecom sẽ mở thêm chi nhánh thứ 4 ở Xiêm Riệp, sau đó là tháng 8, với chi nhánh ở Sihanoukville (Campuchia). Có mặt ở 5 thành phố chính của Campuchia rồi, FTP Telecom sẽ “đi sâu, đánh chắc”, “thâm canh” thị trường đầy tiềm năng này, gia tăng nhiều dịch vụ cho khách hàng.

Sau Campuchia, trong chiến lược của mình, FPT Telecom còn hướng đến Lào, Myanmar, Bangladesh và một số thị trường Nam Mỹ khác. Chiến lược đã có, mọi thứ đã sẵn sàng, cái cần bây giờ là chuẩn bị cho nghiên cứu và phát triển, cho nguồn lực…

“Vậy sớm nhất là bao giờ, FPT Telecom có thể vươn sang nước khác?”. Đặt câu hỏi thế, nghĩ rằng con số cũng ít nhất là 1 năm, nhưng Khoa bảo, chỉ 3 tháng thôi. “Nhanh thế ư?”. “Phải nhanh chứ. Vì ở cái ngành này, chỉ chậm một chút là… chết. Chậm có nghĩa là sẽ bị đối thủ khác vượt qua, bỏ lại”, Khoa cười.

Hóa ra, với người đàn ông này, phải là nghĩ nhanh, đi nhanh và tiến chắc. Không thế, có lẽ không “trụ” lại được ở môi trường cạnh tranh đầy khắc nghiệt của thương thường, và của cả FPT. FPT Telecom không chỉ ấp ủ các kế hoạch đầu tư vào truyền hình, đi theo chiến lược chung của Tập đoàn là xây dựng nền tảng và ứng dụng cho khách hàng trên nền tảng điện toán đám mây và hệ thống xử lý dữ liệu cỡ lớn. Chiến lược trong 5 năm tới FPT Telecom vẫn sẽ giữ vững vị trí trong top 3, sau Viettel, VNPT về cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. “Ước mơ làm di động cũng vẫn còn. Chúng tôi vẫn còn cơ hội để làm điều đó”, Khoa bảo thế.

Rất chân tình, Khoa kể, để có được thành công hôm nay, anh cũng đã phải trả giá nhiều. Thời gian cho gia đình là một ví dụ. Năm 2011, anh chỉ ở nhà trọn vẹn 60 ngày, còn năm ngoái là 27 ngày. Nhưng hạnh phúc gia đình, với anh, luôn là thành công lớn nhất của cuộc đời mình. Thành công thứ hai, đó là một sự nghiệp như trong mơ. “Nói mơ, không có nghĩa là nó đến một cách bất ngờ, mà là ngày xưa, khi bắt đầu vào làm việc ở FPT, đã mơ có một ngày như thế”.

Tôi cũng tin điều đó. Mọi người ở FPT cũng tin điều đó. Bởi Nguyễn Văn Khoa, suốt 16 năm qua, đã luôn làm việc và cống hiến không mệt mỏi cho FPT. Và vì thế, đúng như anh nói, điều anh thích nhất chính là làm việc trong ngành này, mọi thứ thay đổi thật nhanh chóng, ước mơ vì thế không bao giờ ngừng lại. Mà còn ước mơ, còn hoài bão, thì sẽ còn những thành công ở phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghĩ nhanh, đi nhanh, tiến chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO