IBM - "cú vấp" của tỷ phú Warren Buffett?

06/01/2016 06:50

Liệu Warren Buffett có đang làm theo đúng lời khuyên của chính ông: “Giá là cái bạn trả, còn giá trị mới là cái bạn nhận được”?

IBM -

Liệu Warren Buffett có đang làm theo đúng lời khuyên của chính ông: “Giá là cái bạn trả, còn giá trị mới là cái bạn nhận được”?

Warren Buffett, ông chủ của tập đoàn Berkshire Hathaway, là một trong những nhà đầu tư thành công và nổi tiếng nhất thế giới. Nhờ tài đầu tư này mà mức sinh lời dài hạn ông có được đã qua mặt hầu hết các nhà đầu tư khác.

Nhưng không ai, thậm chí cả nhà đầu tư huyền thoại này, có thể tránh được thua lỗ. Trong năm 2015, Warren Buffett đã gánh chịu một “cú sốc” đối với danh mục đầu tư của mình: Ông đã lỗ 2 tỉ USD đối với khoản đầu tư vào tập đoàn công nghệ Mỹ IBM.

Câu chuyện IBM của Buffett bắt đầu vào năm 2011. Những ai hâm mộ Buffett đều biết rằng Buffett tránh đầu tư vào ngành công nghệ trong nhiều năm. Lý do là ông không thích đầu tư vào những công ty mà ông không hiểu.

Nhưng trong quý I/2011, Buffett bắt đầu mua vào cổ phiếu IBM. Ông đã mua hơn 4,5 triệu cổ phiếu của tập đoàn công nghệ này với giá trung bình 159 USD/cổ phiếu.

Trong suốt những quý tiếp theo, Buffett nhiều lần bỏ tiền mua vào khối lượng lớn cổ phiếu IBM với giá mua lần sau đều cao hơn so với lần mua trước. Đến cuối quý III/2011, ông đã sở hữu hơn 67,5 triệu cổ phiếu IBM, tương đương 5,98% cổ phiếu lưu hành của tập đoàn này. Và khoản nắm giữ trong IBM chiếm tới 18,6% danh mục đầu tư của ông. Nhưng đến nay, giá IBM đã sụt giảm còn 139,34 USD/cổ phiếu (30/12/2015).

Lý do nào khiến Buffett quay lưng với nguyên tắc đầu tư của mình và tiếp tục rót vốn vào IBM? Trong lá thư gửi cổ đông năm 2011, ông giải thích: “Như tất cả các nhà quan sát trong lĩnh vực kinh doanh đều biết, các CEO của IBM Lou Gerstner và Sam Palmisano đã làm được một việc tuyệt vời khi đưa IBM từ chỗ mấp mé bờ vực phá sản cách đây 20 năm lên vị trí thống trị ngày hôm nay. Thành tích điều hành của họ thực sự đáng nể. Nhưng khả năng quản lý tài chính của họ cũng đáng nể không kém, đặc biệt trong những năm gần đây khi tính linh hoạt tài chính của Công ty đã được cải thiện. Tôi thấy không một công ty lớn nào có năng lực quản trị tài chính tốt hơn cả, một kỹ năng đã làm gia tăng mức sinh lời cho cổ đông IBM. Công ty đã sử dụng nợ một cách khôn ngoan, thực hiện các thương vụ thâu tóm giúp gia tăng giá trị cổ đông hầu hết chỉ bằng tiền mặt và tích cực mua lại cổ phiếu quỹ”, ông viết.

Đặc biệt, một lý do chính cho quyết định mua vào IBM có lẽ là chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu quá hấp dẫn của công ty này trong suốt năm 2009, 2010 và 2011, lần lượt 59%, 64% và 78,4%. Đây là một trong những chỉ số quan trọng mà Buffett sử dụng để phân tích khả năng sinh lời của một doanh nghiệp.

Trong lá thư gửi cổ đông, Buffett tiếp tục đưa ra những mong đợi đối với cổ phiếu IBM trong giai đoạn 5 năm. Ông hy vọng giá vẫn giữ trong khoảng 200 USD/cổ phiếu và dự báo IBM sẽ mua thêm 250 triệu cổ phiếu quỹ trị giá 50 tỉ USD.

Với 910 triệu cổ phiếu đang lưu hành, điều đó sẽ cho Berkshire Hathaway tỉ lệ sở hữu 7% trong Công ty. Cuối cùng, ông kết luận rằng lợi nhuận tương lai của ông được quyết định trước tiên bởi lợi nhuận tương lai của IBM và sau đó là bởi các động thái mua vào cổ phiếu quỹ của công ty này.

Đến tháng 4/2013, quyết định mua vào cổ phiếu IBM của Buffett càng được củng cố. Như những gì ông đã trông đợi trong báo cáo cổ đông 2011, giá cổ phiếu IBM được giao dịch trong khoảng 200 USD/cổ phiếu, theo CNBC. IBM cũng đã chứng minh cho thấy dự báo của Buffett là đúng khi Công ty đã tăng cổ tức hằng quý thêm 12% lên mức 95 cent và đã bỏ ra 5 triệu USD mua lại cổ phiếu quỹ.

Lời giải thích vào năm 2011 vì sao mua cổ phiếu IBM và những dự báo của ông dành cho công ty này là một bài học cho tất cả các nhà đầu tư: Khi chọn mua cổ phiếu nào, trước tiên phải hiểu được vì sao lại mua công ty; kế tiếp, phải dự báo được mình mong đợi gì từ kết quả của việc mua này. Điều đó giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định nắm giữ và bán cổ phiếu trong tương lai.

Việc mua lại cổ phiếu IBM vẫn tiếp tục như kế hoạch mãi cho đến năm 2013. Nhưng kể từ đó, cổ phiếu công ty này đã mất đi 1/3 giá trị. Hồi đầu tháng 11/2015, Buffett đã thừa nhận lỗ 2 tỉ USD đối với khoản đầu tư tại IBM, theo CNN Money. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào tháng 7/2015, IBM đã báo cáo lãi ròng có điều chỉnh của quý II là 3,84 USD/cổ phiếu trên doanh số bán 20,81 tỉ USD. Cả 2 chỉ tiêu này đều sụt giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Theo CNBC vào ngày 21/7 cùng năm, cổ phiếu IBM đã giảm 8,96 USD và Berkshire Hathaway đã lỗ 712,9 triệu USD.

Đến cuối tháng 10, theo tạp chí Fortune, lợi nhuận quý III/2015 của IBM cũng đáng thất vọng khi giảm 14% so với cùng kỳ. Quý này, khoản lỗ đầu tư ở IBM đã tác động nặng nề đến Berkshire với mức sụt giảm tới 680 triệu USD về giá trị. Vào ngày đó, 79,5 triệu cổ phiếu IBM của Buffett trị giá hơn 11 tỉ USD.

Tính đến ngày 30/12/2015, cổ phiếu Berkshire đã giảm 14% trong khi S&P 500 nhích nhẹ. Khoản mất mát này của Berkshire năm vừa qua có phần không nhỏ do ảnh hưởng của khoản đầu tư IBM.

Tất nhiên, mức suy giảm của một năm không xóa đi nhiều năm mà Berkshire Hathaway đã vượt mặt S&P 500. Nhưng đáng chú ý, Buffett thừa nhận đã mua thêm vào cổ phiếu IBM trong cả quý I và quý III của năm 2015 ngay trong giai đoạn IBM đang trượt dốc. Buffett hy vọng rằng cổ phiếu IBM sẽ phục hồi.

“IBM tiếp tục có lãi và tạo ra dòng tiền mặt đáng kể. Chúng tôi hiện không có ý định từ bỏ khoản đầu tư vào cổ phiếu thường IBM”, ông nói.

Các nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp cũng như những nhà quan sát Buffett có nhiều nhận xét về khoản đầu tư của ông tại IBM. Ted Parrish, CFA và nhà sáng lập công ty quản lý đầu tư Parrish Capital, cho rằng khoản đầu tư IBM của Buffett dựa trên tầm nhìn dài hạn, không phải 1 năm, 4 năm mà có thể nhiều hơn thế.

Theo ông, vấn đề tỉ giá tác động đến IBM cũng như tính lỗi thời. “IBM đang cố gắng bắt kịp trong những lĩnh vực công nghệ lớn, đặc biệt là điện toán đám mây”, ông nói. Dẫu vậy, Parrish tỏ ra thận trọng không đưa ra “lời cáo chung” đối với IBM vì tập đoàn này có lịch sử lội ngược dòng cũng như khi cân nhắc đến bảng cân đối kế toán và dàn quản lý của nó.

Vậy nhà đầu tư học gì từ bài học IBM của Buffett? Peter J. Creedon, CEO của hãng tư vấn đầu tư Crystal Brook Advisors, cho rằng: “Phạm lỗi lầm chỉ chứng minh rằng ông ấy cũng là con người. Nhưng liệu Buffett có thực sự mắc lỗi ở IBM? Buffett cũng như Berkshire là các nhà đầu tư dài hạn với quan điểm thận trọng. Ông ấy và đội ngũ của mình cho thấy một số phẩm chất về mặt quản lý, vị thế thị trường và các chỉ số cơ bản khác mà nếu được “chỉnh trang”, có thể góp phần tạo nên một công ty thành công hơn và đóng góp vào lợi nhuận của Berkshire. Một số cuộc lội ngược dòng mất nhiều thời gian hơn những cuộc lội ngược dòng khác, nhưng các nhà đầu tư dài hạn cần không phải chỉ vài quý để thực hiện những thay đổi thực sự. Thời gian sẽ trả lời”.

Rất khó mà nói IBM là một thương vụ đầu tư sai lầm cho đến khi Buffett bán đi cổ phiếu. Cho đến nay, mức lỗ của ông vẫn chưa được “hiện thực hóa”, mà chỉ là những khoản lỗ trên giấy tờ. Thực tế cho thấy, có nhiều khoản đầu tư của Buffett đã phải mất nhiều năm mới thực sự thấy được tiềm năng của chúng với nhiều thăng trầm trong suốt quá trình đó.

Bước vào năm 2016, khi mua cổ phiếu mới, hãy học từ khoản đầu tư của Buffett vào IBM: hiểu vì sao mình đầu tư vào một công ty; bạn trông đợi nó sẽ làm ăn thế nào trong tương lai; và hãy kiên nhẫn. Nhớ lời dặn của Buffett khi chọn cổ phiếu: “Giá là cái bạn trả. Còn giá trị mới là cái bạn nhận được”.

>2 bài học từ bữa trưa với Warren Buffett

>Làm giàu nhờ Warren Buffett

>Học Warren Buffett tìm kiếm “sự bất đồng có suy nghĩ”

>Warren Buffett gợi ý "kênh đầu tư" hiệu quả nhất

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
IBM - "cú vấp" của tỷ phú Warren Buffett?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO