Chữ “hòa” của ông Huỳnh Quang Đấu

03/11/2014 04:02

Chính quyền địa phương, người lao động và nông dân đã giúp Huỳnh Quang Đấu viết nên 1 chữ “Hòa” tròn nét.

Chữ “hòa” của ông Huỳnh Quang Đấu

Chính quyền địa phương, người lao động và nông dân đã giúp Huỳnh Quang Đấu viết nên 1 chữ “Hòa” tròn nét.

"Hòa" ở đây là dung hòa lợi ích giữa các bên. Để tìm kiếm sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Để có được sự đồng lòng của người lao động trong công ty.

Để nhận được sự đồng thuận của người nông dân. Chính chữ “hòa” đã giúp ông đưa Antesco - Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang, trở thành 1 trong 4 công ty xuất khẩu rau quả đông lạnh IQF và đóng hộp hàng đầu Việt Nam.

Người tiêu dùng biết đến Antesco qua các mặt hàng đông lạnh và đóng hộp chủ yếu từ bắp non, đậu nành rau và khóm (dứa). Ngoài ra còn có các sản phẩm với tỉ trọng sản xuất thấp hơn như nấm rơm chanh, dưa hấu, đu đủ, xoài, thanh long, ổi, gừng, sả, ớt...

Doanh thu năm 2013 đạt hơn 260 tỉ đồng, trong đó 90% là xuất khẩu. Trước đây, Công ty xuất đi toàn bộ sản lượng làm ra, nhưng 3 năm trở lại đây, “thị trường trong nước bán rất tốt, số lượng bán ra đạt 10% và có thể tăng lên trong những năm tiếp theo nhằm góp phần thực hiện chủ trương người Việt dùng hàng Việt”, ông Đấu cho biết.

Sản phẩm đông lạnh IQF: “Individual Quick Frozen”, là cấp đông nhanh từng cá thể. Các cá thể được đưa vào môi trường có nhiệt độ từ -40 độ C đến -35 độ C và sau gần 30 phút mà nhiệt độ trung tâm của cá thể đó đạt -18 độ C thì được gọi là IQF. Các sản phẩm loại này có thời gian bảo quản lâu hơn mà chất lượng gần như được giữ nguyên vẹn.

Chính quyền hậu thuẫn

Phải thừa nhận rằng, không có sự ủng hộ của chính quyền địa phương thì có thể không có Antesco của ngày nay. Và hành trình tìm kiếm sự ủng hộ đó là thách thức không nhỏ đối với Huỳnh Quang Đấu trong suốt chặng đường kinh doanh 40 năm qua.

Khó khăn nhất là vào giai đoạn cuối thập niên 80. Khi được giao về nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang, ông Đấu đã một mực từ chối vì lãnh đạo tiền nhiệm để lại khoản nợ tương đối lớn dẫn đến không còn vốn hoạt động.

Không thấy được phương án nào để thoát khỏi vũng lầy này, nhưng chỉ vì câu nói của lãnh đạo chính quyền: “là đảng viên, cậu không được từ chối”, thì... “hết cách, tôi nhận lời và trở thành Giám đốc”, ông bộc bạch.

Đó không phải là lần đầu tiên Huỳnh Quang Đấu đến với Công ty. 16 năm trước, ông từng bén duyên với vai trò bảo vệ. Việc gì cũng làm và làm rất nhiệt tình, từ khuân vác, quét dọn đến giữ kho, bảo vệ kho...

Giờ nghỉ trưa ông tranh thủ học may để kiếm thêm tiền vì lương vào thời điểm đó rất thấp và ông lại mồ côi từ nhỏ; riêng buổi tối, ông đi học bổ túc và tiếp tục học đại học.

Mọi người đều cười và khuyên nhủ “có công việc ổn định là được rồi, đi học chi cho khổ”. Lúc đó, Huỳnh Quang Đấu chỉ cười và nói vui “học để tương lai về làm giám đốc công ty này”.

Nhờ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và đóng góp nhiều cho Công ty, từ nhân viên bảo vệ, ông Đấu thay đổi vị trí nhanh như diều gặp gió, đến nỗi bị thanh tra vì nghi ngờ có sự mờ ám khi lên Phó Giám đốc Công ty ở tuổi 24, là lãnh đạo doanh nghiệp trẻ nhất tỉnh An Giang khi đó. Sau nhiều năm công tác, buồn với tình hình nội bộ khi đó, ông định xin lãnh đạo về quê thì lại được chuyển sang làm Phó Giám đốc Công ty Lương thực An Giang.

Nhưng chỉ 9 tháng sau, câu nói tưởng chừng như đùa của chàng thanh niên “17 bẻ gãy sừng trâu” ngày nào lại trở thành sự thật. Chiếc ghế Giám đốc ở Công ty đầu tiên lại trở thành mối lương duyên với ông cho đến tận hôm nay.

Nói ghế nóng là vì khi ông tiếp quản Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang, tình hình đang hết sức rối ren. Lãnh đạo bị bắt, nợ nần chồng chất, nội bộ lục đục (do hợp nhất 3 công ty), nhiều người chỉ tìm cách bỏ túi riêng qua các đợt phân phối hàng.

Và bất cập từ hình thức phân phối hàng, có những loại hàng tồn kho không bán được đã góp phần khiến cho vốn của Công ty bị lãi ngân hàng ăn cụt lúc nào không hay. Cụ thể, Sở Nông nghiệp chỉ định Công ty phân phối hàng cho các huyện, khi nào bán được mới trả nợ.

Trong khi đó, Công ty vẫn phải trả lãi ngân hàng theo định kỳ. “Nhiều khi có chỗ mua cao giá cũng không được bán, sự cứng nhắc của hình thức phân phối thời bao cấp làm khổ nhiều doanh nghiệp”, ông nhận xét. “Đến băng vệ sinh phụ nữ cũng phân phối chứ không cho thương mại tự do”, ông Đấu hồi tưởng lại thời cuộc khắc nghiệt đó.

Nhận làm Giám đốc Công ty, ông gõ cửa từng ngân hàng xin vay vốn để nối lại hoạt động kinh doanh và trả nợ nhưng tất cả đều từ chối. Không vay được vốn lớn để nhập hàng, ông bắt đầu bằng những hợp đồng nhỏ. Chỉ ra chi tiết nhập hàng như thế nào, bán ở đâu và toàn bộ tiền lời sẽ dùng để trả nợ cho ngân hàng.

Cũng may mắn là vào thời điểm này, việc giao dịch hàng hóa đã bắt đầu được tự do thương mại. Nhờ vậy ông Đấu mới có cơ hội nhập và bán hàng ở nơi nào thấy có lời, bên cạnh việc phân phối theo chỉ định của lãnh đạo tỉnh. Cách làm của ông giúp trả bớt nợ và giữ được chữ tín với ngân hàng.

Việc dung hòa với chính quyền địa phương không chỉ một lần mà là cả hành trình bền bỉ. Sau khi bằng lòng về làm Giám đốc khối nợ khổng lồ, ông Đấu lại phải nỗ lực thuyết phục lãnh đạo suốt quá trình xây dựng và vận hành nhà máy rau quả đông lạnh đầu tiên tại Long Xuyên, tỉnh An Giang vì ý tưởng của ông đi ngược xu thế thời đó.

Lúc ấy là cuối thập niên 90. Hầu hết các doanh nghiệp lớn trong tỉnh đều nuôi và xuất khẩu cá tra do lợi nhuận đem lại rất lớn, khoảng 6-7 USD/kg. Lời lớn, mê lắm. Nhưng “ai cũng làm sẽ đến lúc bão hòa”.

Nghĩ vậy, Huỳnh Quang Đấu đề xuất lãnh đạo tỉnh An Giang cho công ty ông phát triển thêm mảng chế biến rau quả đông lạnh xuất khẩu, bên cạnh cung cấp vật tư thiết bị nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... “Ai cũng ngạc nhiên và nghi ngại về tính khả thi của đề xuất này vì lúc đó cá tra có sức hấp dẫn lớn trong khi rau quả có giá rẻ bèo”, ông Đấu kể lại.

Tuy nhiên, ông Đấu đã nhìn thấy tiềm năng thị trường đầu ra và vùng nguyên liệu sẵn có nên vẫn quyết tâm thực hiện. Vì sau nhiều lần đi nước ngoài để mua máy móc thiết bị nông nghiệp cho Công ty, ông có cơ hội thấy nước bạn chế biến rau quả tươi rất đẹp mắt và giữ được lâu.

Tìm hiểu và biết được thị trường còn nhu cầu rất lớn. Nghĩ về quê ngoại (Cai Lậy, Tiền Giang) và vùng Tri Tôn, An Giang, nơi ông sinh sống thời thơ ấu, người dân không biết làm gì ngoài trồng rau và trái cây. Bán rẻ. Cho hàng xóm. Bỏ không.

“Sáng rau chiều rác nếu mình không kịp chế biến hoặc giữ đông. Đây là cơ hội giúp nhiều nông dân đổi đời”, ông Đấu quyết định dấn thân vào lĩnh vực chế biến rau quả đông lạnh này. Ngành mới đồng nghĩa với cạnh tranh ít và thị trường rộng lớn.

Sau nhiều lần thuyết phục lãnh đạo tỉnh, cuối cùng hệ thống dây chuyền và chuyên gia từ Đài Loan cũng đã cập bến tại An Giang. Là nhà máy đầu tiên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, thách thức lớn nhất vào thời điểm đó là vùng nguyên liệu đạt chuẩn, dù rau quả dư thừa rất nhiều.

Vì trước đây người dân tự trồng riêng lẻ và dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không theo tiêu chuẩn nào. Chất lượng không đồng nhất và kích cỡ thì lộn xộn.

Yêu cầu nông dân dùng đúng liều lượng thuốc và phân loại kích cỡ rau quả cho đồng đều thì bị “lãnh đạo tỉnh phê bình vì cho rằng Công ty làm khó dân, thậm chí không ít người đề nghị lãnh đạo tỉnh cách chức tôi”, ông nói.

Tuy nhiên, còn nhiều lãnh đạo cao cấp của tỉnh chưa phản đối tức ông Đấu vẫn còn cơ hội thuyết phục. “Giải thích nhiều lắm nhưng chỉ tin vì uy tín của tôi trước đó, chứ chưa ủng hộ hoàn toàn việc thực hiện quy chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật và làm sao để có sản phẩm đẹp”, ông bộc bạch.

Biện pháp cuối cùng, ông mời lãnh đạo tỉnh và đại diện các hợp tác xã, nông dân đi nước ngoài một chuyến. Khi tận mắt thấy Đài Loan trồng trọt, thu hoạch và chế biến rau quả, “trở về, lãnh đạo chính quyền lúc đó ủng hộ tuyệt đối”, ông nhấn mạnh.

Nguồn thu từ bán thiết bị vật tư, phân bón cộng với doanh thu từ xuất khẩu rau quả đông lạnh đã giúp cho Công ty trả được một phần nợ, đảm bảo đời sống cho nhân viên và duy trì hoạt động. Chưa kịp giải quyết hết tàn dư sau bão, Huỳnh Quang Đấu lại đón nhận cơn sóng thần mới mang tên phân bón.

Đó là chuyện ông được chỉ định nhập 10.000 tấn phân bón để dự trữ phục vụ sản xuất, phòng ngừa khi giá phân bón tăng đột xuất (nhập giá cao). Tuy nhiên, sau đó giá phân giảm và công ty ông cùng 5 công ty khác trong tỉnh lỗ nặng.

Chỉ có điều, khác với 5 lãnh đạo các công ty kia phải chịu tù tội hoặc cách chức, giải thể Công ty vì tự ý kinh doanh theo cơ chế thị trường, riêng Huỳnh Quang Đấu được tha. Đơn giản là vì trước đó ông đã yêu cầu phải có văn bản chính thức cho việc chỉ đạo dự trữ, cũng như thực hiện đúng quy định phân phối và không tư túi, trục lợi.

Nhóm lửa

Có được sự ủng hộ của chính quyền thôi chưa đủ để Antesco thành công như ngày nay. Dung hòa được quyền lợi của các thành viên trong công ty cũng quan trọng không kém.

Ngày trở về tiếp quản cục nợ của Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang, “nhà xưởng thì trơ trọi, thiết bị hư hỏng và bị tháo đi nhiều bộ phận, không có lương nên không ai còn động lực làm việc, nhìn não nề lắm”, ông hồi tưởng.

Trong các thành viên ban lãnh đạo của công ty sau khi ông Đấu nhận làm giám đốc, có người ủng hộ nhưng có người lại thờ ơ. Tiền lương quá thấp và chậm trả dẫn đến sinh hoạt gia đình của nhân viên cũng khó khăn.

Không có tiền, ông Đấu mua nợ một con heo và nhờ xẻ thịt, chia cho mỗi thành viên trong công ty nửa kg mang về, còn bộ lòng thì đem nấu cháo liên hoan tại công ty. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, hành động dù nhỏ của ông Đấu trong thời điểm đó thể hiện sự quan tâm đến miếng cơm manh áo của người lao động đã làm lay động lòng người.

Dần dà, những thành viên lúc trước thờ ơ cũng hiểu và thương ông. “Cục sắt một người khiêng không nổi, cả công ty nhích hoài cũng đi”, ông cười hiền lành khi nói về sự thay đổi trong nội bộ.

Và tình người trong Huỳnh Quang Đấu chưa bao giờ hữu hạn. Giờ đây, khi đã là công ty đứng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả đông lạnh IQF, đứng vững trên những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu; theo lẽ thường, người lãnh đạo sẽ phải làm sao cho Công ty có năng suất cao nhất với chi phí thấp nhất.

Thế nhưng, Huỳnh Quang Đấu vẫn nặng lòng với 900 công nhân trong 2 nhà máy sản xuất rau quả của Antesco, muốn làm sao để công nhân có được thu nhập cao mà vẫn đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho Công ty và cổ đông. Đó là lý do trong nhiều khâu nếu dùng hoàn toàn bằng máy móc sẽ có chi phí thấp hơn so với thuê công nhân nhưng ông vẫn để công nhân làm.

Chẳng hạn, máy lựa đậu hoặc phân loại bắp, có giá khoảng 100 triệu đồng và năng suất làm việc bằng 25 công nhân, nhưng ông vẫn ưu tiên sử dụng công nhân, máy móc được dùng để hỗ trợ cho những đơn hàng lớn và gấp. Chính nhờ quản trị bằng sự thấu hiểu như vậy mà ông vẫn giữ được những công nhân cắt khóm, bắp và lựa đậu nành.

“Nếu sản phẩm khác mình làm bằng máy hết và chỉ thuê nhân công làm những thứ máy làm không hiệu quả như cắt khóm thì thu nhập của công nhân rất thấp, làm vậy thấy không đành lòng”, ông chia sẻ.

Nói về máy móc, công nghệ, thì đây có lẽ là yếu tố nâng tầm công ty trên thị trường quốc tế bên cạnh 2 yếu tố giúp Antesco sống còn là nguyên liệu và con người. Hiện nay, Antesco có 2 nhà máy chế biến rau quả đông lạnh với công suất hơn 10.000 tấn/năm.

Ngày trước, nhà máy đầu tiên được sử dụng công nghệ và chuyên gia Đài Loan, nhưng sau khi có đủ kinh nghiệm và khả năng quản lý, Antesco tách ra khỏi liên doanh với Công ty Lythai và sử dụng công nghệ Mỹ và Đan Mạch với chất lượng cao hơn.

Nhà máy thứ 3 có công suất tương đương 2 nhà máy hiện nay, chi phí đầu tư khoảng 5 triệu USD đang được khởi công, sử dụng công nghệ hiện đại nhất cho đến nay cũng dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2015.

“Không chỉ dây chuyền sản xuất, chế biến có công nghệ hiện đại, Antesco còn áp dụng hệ thống công nghệ trong quản lý để đảm bảo vận hành trơn tru”, vừa nói ông Đấu vừa mở màn hình chỉ cho người viết thấy hệ thống camera theo dõi quy trình nhập hàng, xử lý và chế biến của công nhân phân xưởng.

Bên cạnh đó, hệ thống phân tích năng lực sản xuất sẽ đưa ra những thông số về loại nguyên liệu được nhập vào nhà máy, khối lượng từng loại, nhà cung cấp, tình hình sản xuất và sản lượng thành phẩm... Nhờ có hệ thống này, Antesco có thể truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của từng gói sản phẩm là do nông hộ nào cung cấp.

“Sản phẩm xuất đi gắn liền với thương hiệu của mình, phải có trách nhiệm với người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu của Antesco”, ông Đấu nhấn mạnh. Cập nhật công nghệ hiện đại là vậy, nhưng với Huỳnh Quang Đấu tất cả cũng là máy móc, cần có sự vận hành và góp sức của công nhân.

Mượn sức dân

Chinh phục được lãnh đạo địa phương và nội bộ công ty khó một, thì chinh phục được nông dân khó mười. Người dân Nam Bộ vốn chất phác, bình dị, nhưng để có được sự gắn kết trung thành của họ trong thời gian dài thì chữ tín và sự công bằng phải đặt lên hàng đầu.

Không có vùng nguyên liệu riêng, chỉ dựa vào hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, Antesco vẫn có được nguyên liệu ổn định gần 20 năm qua. Hai thập niên, thời gian đủ để một thế hệ mới ra đời và có nhiều trường hợp con cái tiếp nối cha mẹ trồng nguyên liệu cho Antesco vì có lời và đầu ra ổn định.

Trước khi ký hợp đồng với đại diện các hộ nông dân, Antesco sẽ chỉ ra với mỗi kg giống sẽ chiếm bao nhiêu diện tích đất, cho sản lượng như thế nào, thời gian thu hoạch và giá bán dự kiến... Từ đó có thể ước tính được mỗi vụ nông dân sẽ lời bao nhiêu.

Nhờ dự đoán được lời lỗ như thế nào và có đầu ra ổn định, nên ngày càng nhiều nông hộ tham gia trồng nguyên liệu để cung cấp cho Antesco. Tính đến nay, Công ty thu hút được 10.000 hộ nông dân ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với quy mô hơn 2.700 ha đất trồng bắp non, 300 ha đất trồng đậu nành rau so với 500 ha đất trồng vào năm 2008.

“Diện tích rộng đồng nghĩa với việc quản lý chất lượng khó khăn hơn. Nếu sơ suất, nguyên liệu có dư lượng thuốc cao, sẽ mất uy tín và mất thị trường ngay lập tức vì Antesco xuất khẩu các sản phẩm chế biến để ăn liền qua các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu”, người đàn ông tuổi gần lục tuần chia sẻ kinh nghiệm.

“Chất lượng là uy tín, là sự sống còn của doanh nghiệp”, ông Đấu nhấn mạnh. Có lẽ vì xem trọng như vậy mà suốt 20 năm xuất khẩu, Antesco chưa hề bị trả lại một lô hàng nào.

Chính sách chất lượng của Antesco trải dài từ khâu chọn giống, gieo trồng, chăm sóc cho đến khâu chế biến, đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế mà nhà nhập khẩu đã quy định. “Công ty phải đảm bảo an toàn thực phẩm từ đồng ruộng đến bàn ăn”, ông nói.

Đó là lý do, đầu năm 2014, Công ty phải hủy gần 3 tấn đậu nành rau do người trồng phun thêm thuốc kích thích để tăng trọng lượng khi gần đến ngày thu hoạch. “Khối lượng tiêu hủy tương đương gần 40 triệu đồng, là số tiền rất lớn đối với người nông dân. Tuy nhiên, thực phẩm dinh dưỡng này sẽ trở nên độc hại nếu người tiêu dùng ăn trúng những trái đậu nành có dư lượng thuốc quá cao. Do vậy, Công ty phải hành xử cứng rắn để làm gương cho những nông hộ khác” ông Đấu nói. Hành động này là minh chứng rõ ràng cho chính sách đảm bảo chất lượng sản phẩm của Antesco.

Nói vậy không có nghĩa là Antesco không quan tâm đến nông dân. Hủy vì trách nhiệm, vì cái tâm không cho phép khi người tiêu dùng ăn phải trái đậu có thuốc quá liều. Nhưng tình nghĩa đối với người nghèo, với nông dân luôn hiển hiện trong con người Huỳnh Quang Đấu. Biết được gia cảnh khó khăn của hộ nông dân bị hủy toàn bộ đậu, Antesco đã hỗ trợ khoản tiền tương đương với số bị hủy để họ có cơ hội làm lại.

Những hộ nông dân có kết quả tốt, thực hiện đúng hợp đồng được thưởng cuối mùa vụ. Trong khi một số hộ nông dân vi phạm hợp đồng, bán cho thương lái bên ngoài với giá cao hơn chút đỉnh, Antesco cũng chỉ nhắc nhở và động viên chứ chưa phạt tiền theo hợp đồng quy định. Chính chữ tình đã làm cảm động bao người dân và nhờ sự rõ ràng, công bằng trong việc mua bán đã giúp ông có vùng nguyên liệu ổn định trong suốt 20 năm qua.

Người thừa kế

Nhờ có được sự ủng hộ của chính quyền (hiện Nhà nước sở hữu hơn 49% cổ phần Antesco), nội bộ công ty và nông dân mà Huỳnh Quang Đấu đã lèo lái được con tàu Antesco vươn ra biển lớn và đặt thương hiệu của mình trên những thị trường nổi tiếng khó tính trong tiêu dùng như Nhật, châu Âu, Mỹ...

Năm nay, Huỳnh Quang Đấu vừa vinh dự được là một trong năm doanh nhân nhận giải thưởng EY Vietnam (Entrepreneur Of The Year Vietnam) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì và phối hợp đồng tổ chức với Ernst & Young Việt Nam.

Giờ đây, khi tuổi lục tuần đến gần, ông đã có kế hoạch nhường chỗ cho thế hệ trẻ. Và điều này không phải giờ ông mới nghĩ đến mà “đã được chuẩn bị từ nhiều năm nay rồi và tôi sẽ hết nhiệm kỳ từ niên độ 2016. Vị trí điều hành có lẽ nên chuyển giao lại cho thế hệ trẻ, có tâm và có tầm”, ông nói.

Antesco đã và đang đào tạo thêm một số quản lý cấp trung để chuẩn bị cho sự mở rộng nhà máy thứ 3 trong thời gian tới. Bên cạnh nhân sự, vùng nguyên liệu mới với 3.700 ha cho nhà máy này cũng đã được ký hợp đồng.

Vị thuyền trưởng Antesco không chỉ dừng lại ở đó mà còn có tham vọng kết nối với các nhà sản xuất khác trong vùng để tránh tình trạng cạnh tranh xuống đáy. Thế hệ trẻ sẽ phải gánh vác trọng trách này và đưa Antesco vươn xa trong thời gian tới.

>Cặp đôi quyền lực bẻ lái Kinh Đô
>Doanh nhân Trần Văn Sen: Lửa khát khao vẫn cháy
>
Secoin: Chuyện ba thế hệ
>Ông chủ Geleximco: Đại gia không siêu xe, hàng hiệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chữ “hòa” của ông Huỳnh Quang Đấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO