Chị Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thương mại – xuất nhập khẩu Thiên Nam: Số phận vẫn mỉm cười...

XUÂN LỘC| 13/03/2007 04:25

Lấy nhau được 8 năm, anh Nguyễn Hoàng Lâm, chồng chị Hiệp qua đời vì bệnh ung thư. Bằng tình thương của người mẹ, bằng trách nhiệm với gia đình, chị đã cố gắng vượt qua để nuôi dạy hai con, nhưng chẳng bao lâu sau đó, trong một lần đi khám bệnh tổng quát, bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư. Choáng váng vì nỗi đau mất chồng chưa nguôi, giờ lại đến phiên mình, chị như không còn sức chịu đựng và đã từng có ý định cùng hai còn từ giã cuộc đời. Nhưng rồi đêm về, nhìn các con ngây thơ nằm ngủ, chị thấy mình thật tàn nhẫn khi nghĩ đến điều đó và quyết định không đầu hàng số phận. Chị đã đã vượt bao khó khăn, trở ngại, vừa học vừa làm để lấy bằng đại học, nuôi dạy con cái trưởng thành, đồng thời đưa Công ty cổ phần thương mại - xuất nhập khẩu Thiên Nam do chị lãnh đạo trở thành một trong những đơn vị mạnh của ngành thương mại - dịch vụ TP.HCM.

Chị Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thương mại – xuất nhập khẩu Thiên Nam: Số phận vẫn mỉm cười...

Mới đó, đã hơn 10 năm. Nhớ lại những khó khăn, chị vẫn còn bồi hồi:

- Gia đình tôi có sáu anh chị em. Tôi còn nhớ khi tôi lên sáu, chiến tranh xảy ra rất ác liệt tại Quảng Nam. Ba tôi không muốn các con phải sống trong cảnh đạn bom nên ông đã gởi tôi vào Sài Gòn sống với gia đình người dì. Buồn lắm nhưng tôi cố chịu đựng. Khi lên mười, nghe tin ba tôi hy sinh trên chiến trường, tôi chơ vơ, hụt hẫng mãi.

- Rồi sau đó, mẹ và các em tôi cùng vào Sài Gòn. Tôi phải nghỉ học để buôn bán lặt vặt. Đến khi giải phóng miền Nam, tôi vừa tham gia công tác Đoàn vừa học bổ túc cấp 3. Năm 24 tuổi, tôi gặp anh, người đàn ông đã lấp đầy khoảng trống trong lòng tôi. Anh hiểu và rất thương yêu tôi. Chúng tôi sống với nhau thật hạnh phúc, dù cuộc sống vẫn còn nhiều thiếu thốn.

- Tám năm chung sống, chúng tôi có hai cô con gái thật xinh xắn. Chồng tôi lấy hai bằng đại học, còn tôi đang học năm thứ ba, tương lai đang chờ đón chúng tôi sau bao năm nỗ lực. Nhưng không may anh bị ung thư phổi. Hai đứa con, đứa bốn tuổi, đứa 16 tháng, anh lại đang háo hức đi làm để chia sẻ gánh nặng kinh tế mà suốt tám năm qua tôi đã cáng đáng vậy mà sức khỏe anh giảm sút nhanh quá. Cuối cùng anh ra đi. Tôi thay anh làm cha của hai con thơ. Tôi nghĩ đó cũng là tình yêu tôi dành cho anh...


Chị Nguyễn Thị Hiệp sinh năm 1961, quê Quảng Nam, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận 10, đạt danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2006”. Văn phòng Công ty Thiên Nam: 432 Lý Thái Tổ, quận 10, ĐT: 8348987, Email: tenimex_ct@email.viettel.vn.

* Với bao nghịch cảnh éo le thế mà chị vẫn học tập, làm việc và đưa thương hiệu Thiên Nam trở thành một trong những thương hiệu mạnh của ngành thương mại - dịch vụ thành phố...

- Vì hai đứa con bé bỏng, nén nỗi đau chồng mất, tôi lao vào công việc, vừa làm, vừa học. Sau hai năm tôi hoàn thành chương trình đại học và có một số vốn gởi người bạn kinh doanh để kiếm thêm đồng lãi nuôi con, rồi tôi làm việc tại Công ty Dịch vụ quận 10 (tiền thân của Công ty Thiên Nam).

- Công ty Thiên Nam vốn là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa năm 2000. Sau 6 năm cổ phần hóa, công ty ngày càng phát triển, giữ được mức tăng trưởng cao và ổn định, từng bước xác định thương hiệu trên thương trường. Và ngày 20/7/2005 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, đồng thời mở ra một thời kỳ phát triển mới cho Thiên Nam khi công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh với mã chứng khoán TNA.

* Với cương vị chủ tịch hội đồng quản trị, chị có thể cho biết định hướng của Thiên Nam?

- Thiên Nam là một công ty chuyên kinh doanh ngành hàng công nghệ thực phẩm, giấy, sắt, thép; thực hiện các dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu; cầm đồ, cho thuê nhà, cho thuê văn phòng... Hiện nay, công ty đang mở rộng kinh doanh sang thị trường bất động sản với hàng loạt các dự án cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng, trung tâm thương mại tại các tuyến đường Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự, Cách Mạng Tháng 8...

- Hai ngành hàng kinh doanh chủ lực của công ty là kim loại đen và công nghệ phẩm. Kim loại đen bao gồm sắt thép các loại như thép lá cán nguội và cán nóng nhập khẩu từ Nga, Nhật, Trung Quốc, Ucraina, Nam Phi... để phục vụ cho các nhà máy sản xuất thép ống trong nước.

- Công ty còn mở thêm ngành hàng mới là phôi thép phục vụ cho nhà máy sản xuất thép xây dựng. Lợi thế của công ty là có mối quan hệ tốt với các nhà máy sản xuất thép hàng đầu ở một số nước nên đầu vào ổn định và có giá cả hợp lý. Hiện Thiên Nam là nhà phân phối độc quyền chocolate Beryls của Malaysia và là nhà phân phối lớn kẹo trái cây của Đức, rượu vang của Pháp.

- Mạng lưới tiêu thụ của Thiên Nam bao gồm siêu thị trong nước, đại lý bán sỉ ở TP.HCM, Đà Nẵng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, với doanh số trên 200 tỷ đồng/năm; doanh thu tăng bình quân 10%/năm; lợi nhuận tăng bình quân 28%/năm, trong đó lợi nhuận từ kinh doanh thương mại - dịch vụ tăng bình quân 30%/năm.

- Chỉ tính năm 2006, doanh thu của Thiên Nam đạt 242 tỷ, lợi nhuận trên 7 tỷ đồng; thu nhập bình quân của gần 100 cán bộ, nhân viên công ty là 4,1 triệu đồng/người/tháng, mức chia cổ tức 20%/năm.

- Để cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành và đứng vững trên thị trường khi nước ta đã vào WTO, ban lãnh đạo Công ty Thiên Nam tập trung phát triển hai ngành hàng chủ lực là sắt thép và công nghệ phẩm, doanh thu hai ngành này phải chiếm tỷ trọng trên 80% tổng doanh thu của công ty.

- Công ty đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao ốc văn phòng và chung cư cao tầng; huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm phục vụ cho các dự án đầu tư và bổ sung vốn để phát triển kinh doanh. Năm nay, Thiên Nam sẽ khởi công xây dựng cao ốc văn phòng tại 111 - 121 Ngô Gia Tự, quận 10, đến cuối năm 2008 sẽ hoàn thành và sẽ khởi công xây dựng chung cư cao tầng trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10. Công ty phấn đấu trong năm 2007 doanh thu đạt 340 tỷ đồng, tăng 40,6% so năm 2006, lợi nhuận đạt 13,9 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2006.

* Chị có lời khuyên nào đối với lớp doanh nhân trẻ?

- Từ thời còn sinh hoạt Đoàn, tôi rất thích bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác”, trong đó có câu: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” và xem đây là hành trang vào đời của mình. Thực tế cuộc đời đã chứng minh dù gặp khó khăn nào đi nữa, khi ta cố vượt qua thì sẽ đạt được. Tôi cũng rất thích ca từ trong bài hát “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và xem đó là kim chỉ nam trong cuộc sống của mình.

* Vì sao chị vượt qua được những giây phút “mềm lòng” để dẫn dắt công ty “lướt sóng”?

- Sau khi chồng mất, tôi cố gắng làm việc để lo cho hai con, nhưng số phận lại không chịu buông tha tôi: bác sĩ bảo tôi bị ung thư. Sau một năm chữa trị, số phận vẫn mỉm cười với tôi, khi bác sĩ bảo mầm bệnh không còn phát triển. Mười năm trôi qua, tôi vẫn khỏe mạnh, lấy thêm một bằng đại học và có một vị trí nhỏ trong xã hội. Con gái lớn cũng vừa đậu đại học, con gái nhỏ đang học lớp chín, cả hai cháu đều khỏe mạnh và chịu khó học. Đó là tài sản quý nhất của tôi.

“Hai con là tài sản quý nhất của tôi”


* Xin lỗi, có lúc nào chị nghĩ sẽ “đi” bước nữa?

- Tôi có hai việc phải làm, thứ nhất là nuôi dạy con cái trưởng thành, thứ hai là làm cho Thiên Nam ngày phát triển. Cả hai việc này đã chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Hơn nữa, tám năm hạnh phúc với chồng, cũng đã quá đủ!

* Quan niệm sống và hưởng thụ của chị là gì?

- Do các con thiếu cha, nên tôi dồn cả tình yêu của thương của người mẹ và người cha để lo cho các con. Những ngày nghỉ, tôi nấu những món ăn ngon cho con và cùng bạn bè đi làm từ thiện.

* Ảnh hưởng của người cha với quá trình hoạt động của chị ra sao?

- Cha tôi là liệt sĩ Nguyễn Đình Phát, hy sinh tại chiến trường miền Trung trên đường mòn Hồ Chí Minh, lúc mới 36 tuổi. Sinh thời, cha rất vui tính, yêu đời, hay giúp đỡ mọi người. Tôi còn nhớ, mỗi khi cha đi chiến đấu về là lo cho từng đứa con. Hơn ba thập niên kể từ lúc cha hy sinh, gia đình mới tìm được hài cốt. Tôi và các anh chị em trong gia đình nguyện sẽ cố gắng học tập và làm việc như cha đã từng thực hiện trong cuộc kháng chiến năm xưa.

* Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này.

Thực tế cuộc đời đã chứng minh dù gặp khó khăn nào đi nữa, khi ta cố vượt qua thì sẽ đạt được. Tôi cũng rất thích ca từ trong bài hát “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, xem đó là kim chỉ nam trong cuộc sống của mình

XUÂN LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chị Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thương mại – xuất nhập khẩu Thiên Nam: Số phận vẫn mỉm cười...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO