Vì sao nhà phát triển BĐS chuộng đối tác ngoại?

NGUYÊN BẢO| 25/03/2017 06:44

Hiện nay, nhà phát triển bất động sản trong nước chuộng giải pháp vừa hợp tác, vừa vay vốn của đối tác nước ngoài.

Vì sao nhà phát triển BĐS chuộng đối tác ngoại?

Nam Huy - một người Việt Nam sống tại Hàn Quốc từ năm 2003 chỉ vào những khu chung cư tại thủ đô Seoul, chia sẻ, trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường, cũng như ở Việt Nam, các nhà phát triển bất động sản (BĐS) đều huy động vốn từ người mua ngay từ khi công trình mới bắt đầu xây dựng, chỉ khác là đến thời điểm hoàn thành, tỷ lệ huy động thường ở mức 30% giá trị căn hộ, phần còn lại phía ngân hàng sẽ liên kết để cho vay nếu khách hàng có nhu cầu. Bình quân mỗi năm, người mua có 3 lần thanh toán, nếu khách hàng nợ quá hạn 3 lần, phía nhà băng sẽ phát mãi tài sản (là căn hộ).  

Đọc E-paper

Với 30% vốn huy động từ khách hàng cho đến khi hoàn thành một khu chung cư, chứng tỏ nguồn vốn tự có của chủ đầu tư ở Hàn Quốc là khá lớn. Quay lại thị trường BĐS Việt Nam, tài chính để phát triển một khu nhà ở thường dựa vào 3 nguồn: vốn tự có của chủ đầu tư, huy động từ khách hàng và vốn vay.

Trong phần vốn vay ngân hàng, nếu trước đây thường được chủ đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt khi Ngân hàng Nhà nước công bố Thông tư 06/2016/TT-NHNN giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi của BĐS từ 150% lên 250%, nhiều chủ đầu tư đã kết hợp với nhà đầu tư ngoại để giảm thiểu tối đa chi phí tài chính, chủ yếu là gánh nặng lãi suất, như trường hợp của An Gia Investment (hợp tác với Quỹ Đầu tư Nhật, Creed Group), Nam Long (hợp tác với Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad - Nhật Bản), Thuduc House (hợp tác với Pavo Capital - định chế tài chính của Anh và Bắc Ailen).

>>Các nhà phát triển bất động sản TP.HCM: "Bắc tiến"

Những cái "bắt tay" này thường theo tỷ lệ 50/50 hoặc 70/30, trong đó, phía doanh nghiệp nội góp quỹ đất sạch, đối tác ngoại cung ứng tài chính, hoặc chủ đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài cùng phát triển khu nhà ở, song doanh nghiệp nội sẽ vay một phần vốn từ đối tác với lãi suất "khá mềm" (bình quân khoảng 5%/năm) và cố định trong thời gian nhất định.

Theo chia sẻ của chủ đầu tư một khu căn hộ ở TP.HCM, hiện nay, nhà phát triển BĐS trong nước chuộng giải pháp vừa hợp tác, vừa vay vốn của đối tác nước ngoài.

Thứ nhất, tính toán được dòng tiền cho suốt quá trình xây dựng. Thứ hai là có thể học hỏi kinh nghiệm từ đối tác. Bởi lẽ nhà đầu tư chiến lược chắc chắn có những "hiến kế" tối ưu về mặt thiết kế, các gói hỗ trợ tài chính cho khách hàng. Thậm chí như trường hợp đối tác đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc còn có thể hỗ trợ trong việc khai thác nguồn khách hàng tiềm năng, khách thuê là các công ty nước họ đang hoạt động tại Việt Nam.

Một vài chủ đầu tư còn tiết lộ đang cùng đối tác xem xét hỗ trợ tài chính cho khách mua thông qua việc liên kết với các ngân hàng nước ngoài (cùng quốc tịch với phía nhà đầu tư ngoại) nhằm đưa ra những chương trình cho vay mua nhà với mức lãi suất "mềm" hơn nữa, hoặc sẽ chia nhỏ thời điểm thanh toán để giảm gánh nặng tài chính cho bên mua.

>>Hợp tác với ngân hàng ngoại: Cần người hay cần tiền?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao nhà phát triển BĐS chuộng đối tác ngoại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO