Vẫn kỳ vọng về nhà ở xã hội

KHÁNH ĐINH| 28/10/2016 01:29

TP.HCM mới có 8 khu nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng, 3 khu thực hiện bằng vốn của doanh nghiệp và 39 dự án dự kiến triển khai trong 4 năm tới.

Vẫn kỳ vọng về nhà ở xã hội

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện đang có sự phát triển lệch pha cung cầu trên thị trường bất động sản (BĐS). Nhiều chủ đầu tư tập trung phát triển ở phân khúc BĐS cao cấp mà "bỏ quên" nhà ở thương mại giá dưới 15 triệu đồng/m2 và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. 

Đọc E-paper

Điều này có thể tạo nên bong bóng BĐS nếu như Nhà nước không có chính sách điều tiết hợp lý về tín dụng, quy hoạch, thuế... Dù vậy, trong thực tế vẫn có một số ít doanh nghiệp BĐS chọn nhà ở xã hội là phân khúc đầu tư.

Đơn cử như Công ty Địa ốc Hoàng Quân với định hướng cung ứng ra thị trường tối thiểu 10.000 căn hộ/năm. Đến nay, Hoàng Quân đã và đang xây dựng các khu nhà ở xã hội như HQC Plaza, HQC Hóc Môn, HQC Nha Trang, HQC Phú Tài, HQC Hàm Kiệm, HQC Bình Minh. Tại TP.HCM, HQC Plaza là khu nhà ở xã hội trọng điểm có tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng, cung ứng 1.735 căn hộ. Dự kiến đến cuối tháng 10 này, khu nhà sẽ đưa vào sử dụng toàn bộ các hạng mục phụ như hồ bơi, phòng tập gym, nhà hàng.

Công ty CP Đầu tư Nam Phan thuộc Tập đoàn Nam Long cũng vừa giới thiệu khu nhà ở xã hội Ehomes Phú Hữu tại quận 9 với mức giá khoảng 599 triệu đồng/căn (đã bao gồm thuế và phí bảo trì), dự kiến cung cấp 1.384 căn hộ.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện đã có 500 khách hàng đặt chỗ cho giai đoạn 1 của khu nhà và chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân. Dự kiến vào cuối tháng 11, Công ty CP BĐS Exim cũng sẽ triển khai một dự án nhà ở xã hội tại quận 9.

>>Gói hỗ trợ 30.000 tỷ: Góc nhìn của người thu nhập thấp

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn khá hiếm hoi. TP.HCM mới có 8 khu nhà được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng, 3 khu thực hiện bằng vốn của doanh nghiệp và 39 dự án dự kiến triển khai trong 4 năm tới. Trong khi đó, một địa phương liền kề là Bình Dương đến nay đã xây được 5.000 căn nhà ở xã hội bán cho công nhân với giá 100 triệu đồng/căn. Người mua chỉ phải trả trước 20%, các khoản còn lại có thể trả góp trong 3 - 5 năm.

Nhờ chính sách này mà hàng nghìn người thu nhập thấp tại Bình Dương đã có nhà ở. Mới đây, Lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đích danh Bình Dương là "địa chỉ đỏ" để Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan học kinh nghiệm về thủ tục, quy trình xây dựng nhà ở xã hội bán cho công nhân, người lao động với giá rẻ.

Kỳ vọng là thế nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội thực chất vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đó, tiến trình thực hiện và thủ tục hành chính liên quan đến lập dự án và xây dựng khá phức tạp và tốn nhiều thời gian, khiến cho các chủ đầu tư không muốn tham gia vào phân khúc này. Hơn nữa, theo quy định, chủ đầu tư chỉ được phép hưởng 10% lợi nhuận. Đây là mức thấp so với lợi nhuận kỳ vọng của các phân khúc BĐS khác tại Việt Nam.

Do vậy, các chủ đầu tư thường chỉ chú trọng xây dựng phân khúc nhà ở cho những người thu nhập trung bình và cao, không bị ràng buộc về điều kiện tiếp cận nhà ở và người mua có khả năng chi trả nhanh, tạo điều kiện quay vòng vốn và thu lợi nhanh.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư không được tự quyết định giá bán, giá thuê nhà mà phải theo mức trần do địa phương quy định, do đó không chủ động được trong chiến lược đầu tư. Nếu giải quyết được những nút thắt này, doanh nghiệp mới mạnh dạn bỏ vốn vào nhà ở xã hội.

>>Bình Dương: Phân khúc nhà ở “hút” nhà đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn kỳ vọng về nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO