Tiềm năng tăng trưởng của thị trường nhà ở 2017

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU thực hiện| 30/12/2016 08:29

Năm 2017, mức độ cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Dù vậy, nhiều chuyên gia và nhà phát triển bất động sản vẫn tin tưởng thị trường có tiềm năng tăng trưởng ở tất cả các phân khúc.

Tiềm năng tăng trưởng của thị trường nhà ở 2017

Việc doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh chiến lược kinh doanh cộng với chính sách của Nhà nước dần đi vào ổn định sẽ là đòn bẩy tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trong năm 2017.

Đọc E-paper

Năm 2017, tín dụng bất động sản sẽ được kiểm soát chặt chẽ theo đúng lộ trình của Thông tư 06/2016/TT-NHNN (thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước) với mục tiêu nâng hệ số rủi ro trong kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% và đưa ra lộ trình hạn chế dần việc sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Năm 2017, mức độ cạnh tranh cũng sẽ gay gắt hơn. Dù vậy, nhiều chuyên gia và nhà phát triển bất động sản vẫn tin tưởng thị trường có tiềm năng tăng trưởng ở tất cả các phân khúc.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

“Thị trường sẽ có sự chuyển hướng”

Năm 2016, tồn kho bất động sản còn khoảng 31.842 tỷ đồng, giảm 19.047 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó, TP.HCM tồn kho 5.954 tỷ đồng, giảm 4.153 tỷ đồng. Thị trường bất động sản tiếp tục hồi phục, tuy không mạnh mẽ như năm 2015, nhưng một số phân khúc vẫn chứng tỏ được sức hút.

Kết quả hoạt động của thị trường bất động sản TP.HCM năm 2016 cho thấy nhà ở vừa túi tiền chiếm 79,7%, vẫn là phân khúc chủ đạo.

Xét về giá cả, năm 2016, giá bán căn hộ chỉ tăng trên dưới 5%, giá bán đất nền có mức tăng cao hơn, khoảng trên dưới 10% tùy theo loại sản phẩm, tiện ích, hoặc vị trí.

Bên cạnh đó, với 500 dự án trên địa bàn Thành phố bị ngừng triển khai, trong đó có nhiều công trình dở dang, chủ yếu do giải phóng mặt bằng, đang là “phần chìm của tảng băng hàng tồn”.

Nhưng đáng phê phán là có một số ít doanh nghiệp chưa hoàn thành phần móng chung cư, chưa có bảo lãnh ngân hàng, chưa giải chấp tài sản thế chấp, hoặc chưa được Sở Xây dựng chứng nhận đủ điều kiện nhưng đã bán nhà hình thành trong tương lai, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua, đồng thời làm ảnh hưởng đến những nhà phát triển bất động sản có uy tín.

Năm 2017, dự báo thị trường bất động sản vẫn trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng có thể tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016. Dự báo đến năm 2020, thị trường sẽ có sự điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc cao cấp (bao gồm cả bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng).

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng  Bộ Xây dựng:

“Cần tạo điều kiện về sản phẩm lẫn tín dụng cho người mua”

Sự hồi phục của thị trường bất động sản bắt đầu từ 2014 và sang năm 2017, nhìn chung cân đối cung cầu lẫn nhịp độ bán hàng.

Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường,tôi nhận thấy nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn nhưng có hai vấn đề tác động đến cầu mà các nhà phát triển BĐS phải quan tâm, đó là khả năng thanh toán của người mua và cơ cấu nguồn cung. Hiện có dấu hiệu nghiêng về căn hộ cao cấp, trong khi 70 - 80% nhu cầu của người dân là nhà ở bình dân.

Do đó, để thị trường phát triển bền vững, các doanh nghiệp bất động sản phải định vị khách hàng mục tiêu, danh mục sản phẩm cho đến việc liên kết với các tổ chức tín dụng để tài trợ cho người mua.

Gần đây lãi suất cho vay tương đối ổn định nên thay vì trông chờ chủ yếu vào lương để tiếp cận nhà ở thì người mua đã mạnh dạn vay ngân hàng để an cư. Theo tôi, nếu lãi suất duy trì ở mức một con số thì khả năng vay ngân hàng mua nhà là rất lớn.

Ông Ngô Quang Phúc - Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land:

“Thị trường bất động sản đang ngày một minh bạch”

Một điều đặc biệt và có thể gọi là điểm sáng nhất của thị trường bất động sản từ năm 2013 đến nay là tính minh bạch ngày càng được cải thiện, từ thông tin, nguồn cung, nhà phát triển cho đến giá cả. Trên cơ sở này, khách hàng có cơ hội kiểm tra, lựa chọn chính xác sản phẩm khi mua. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận trong điều chỉnh chính sách của Nhà nước.

Thị trường bất động sản hiện nay đã quay về đúng bản chất, hay nói đúng hơn là cung cầu dần gặp nhau. Nhiều người bán, sức cạnh tranh lớn, người mua sẽ được hưởng lợi do giá cả không tự nhiên tăng đột biến mà phụ thuộc vào quy tắc bất biến cung cầu.

Còn về việc đánh thuế căn nhà thứ hai hay hạn chế tín dụng đổ vào bất động sản sẽ không mấy tác động đến thị trường, nếu có, chỉ gói gọn trong khu vực đầu cơ, đầu tư ngắn hạn, còn thực chất ngân hàng vẫn “chào đón” những người sở hữu ngôi nhà đầu tiên.

Những doanh nghiệp hướng đến đầu tư phân khúc nhà ở vừa túi tiền cũng sẽ không bị tác động nhiều, vấn đề còn lại để đảm bảo thanh khoản là tạo ra sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và lựa chọn chỗ ở của người mua.

Năm 2017, với các chính sách của Nhà nước, thị trường bất động sản sẽ đi lên thông qua việc nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, triển khai dự án mới, cạnh tranh gay gắt hơn. Do vậy, doanh nghiệp nào nắm bắt được tâm lý của khách mua và thực hiện được cam kết về sản phẩm sẽ thành công. Đó cũng chính là trực quan sinh động để người mua đánh giá về năng lực của một chủ đầu tư.

Ông Linson Lim - Chủ tịch Keppel Land Việt Nam:

“Cải cách của Chính phủ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản”

Sự phát triển nhanh chóng về cơ sở hạ tầng tại quận 2 nói chung và khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng, điển hình là việc triển khai tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã củng cố niềm tin của người mua nhà và thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, cũng như làm tăng giá trị các bất động sản các khu vực lân cận. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định cũng góp phần mang lại sự lạc quan cho thị trường bất động sản.

Luật Nhà ở được sửa đổi đã giúp các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Với Keppel Land, 2016 là một năm khá thành công. Tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã khai trương Trung tâm Thương mại Saigon Centre.

Giai đoạn 2 của Saigon Centre, bao gồm 44.000m2 sàn văn phòng hạng A và 195 căn hộ dịch vụ hạng sang được dự kiến hoàn thành vào nửa cuối năm 2017. Đồng thời, chúng tôi cũng triển khai Palm Residence - một khu nhà ở thấp tầng tại khu đô thị Palm City, khu nhà ở Empire City tại Thủ Thiêm.

Cùng với việc nới lỏng điều kiện về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, thị trường bất động sản Việt Nam được nhìn nhận có nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư và tạo ra chuyển biến tích cực cho tất cả các phân khúc, từ nhà ở, văn phòng cho đến bán lẻ.

Thị trường bất động sản TP.HCM năm 2016 có thêm trên 30.000 nhà ở. Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn cho 57 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 29.017 căn nhà, gồm có 27.792 căn hộ và 1.225 nhà thấp tầng. Trong đó, có 5.630 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, chiếm 20,3%, 16.750 căn hộ thuộc phân khúc trung cấp, chiếm 60,3%, 5.412 căn hộ thuộc phân khúc bình dân, chiếm 21,6%.

>Diễn biến bất ngờ trên thị trường căn hộ

>Bất động sản: Nhắm đến phân khúc bình dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiềm năng tăng trưởng của thị trường nhà ở 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO