Thị trường BĐS: Cú hích từ hạ tầng

HẢI ÂU| 16/11/2015 06:20

Hàng loạt công trình hạ tầng lớn được khởi công đã tác động mạnh đến tiến độ xây dựng nhà ở tại TP.HCM.

Thị trường BĐS: Cú hích từ hạ tầng

Hàng loạt công trình hạ tầng lớn được khởi công đã tác động mạnh đến tiến độ xây dựng nhà ở tại TP.HCM.  

Đọc E-paper

Khu Nam dịch chuyển

Gần như cả năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, nguồn cung nhà ở và giao dịch nghiêng hẳn về khu Đông Sài Gòn (Q.2, Q.9) do ảnh hưởng tích cực từ các tuyến hạ tầng trọng điểm.

Song, từ giữa tháng 6/2015, một loạt thông tin mang tính "kích thích" thị trường đã "khuấy động" khu Nam.

Cụ thể như tin "Đề án thành lập đặc khu kinh tế TP.HCM" (Q.7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh), hay việc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận phối hợp cùng Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng hợp tác đầu tư xây dựng nút giao thông tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, với hệ thống hầm chui, cầu vượt có tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng để giảm ùn tắc giao thông cho cửa ngỏ phía Nam.

Song song đó là mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ với lộ giới 60m. Ngoài ra, sẽ có hai "cánh tay" nối Q.4 và Q.7 là cầu Nguyễn Khoái (từ nút giao thông Tôn Thất Thuyết - Nguyễn Khoái, Q.4 qua Kênh Tẻ) và dự án cầu Kênh Tẻ 2 (nối Q.4 qua Lê Văn Lương, Q.7).

Đòn bẩy hạ tầng, cộng với sự hồi phục của thị trường bất động sản (BĐS) đã tác động đến chiến lược đầu tư của các nhà phát triển nhà ở.

>>“Cuộc chiến” căn hộ ở khu Nam TP.HCM

Ông Phạm Lê Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát, nhìn nhận, hiện, khu Nam có đầy đủ các tiện ích không thua khu vực trung tâm Thành phố, mà hạt nhân là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và trong tương lai sẽ hình thành khu đô thị thứ hai là khu đô thị Cảng Hiệp Phước.

Thêm nữa, các tuyến giao thông kết nối giữa khu Nam với khu Đông và Tây TP.HCM ngày càng hoàn thiện. Đáng chú ý, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang triển khai, dự kiến hoàn thành năm 2018) sẽ tạo bước đột phá mới cho thị trường BĐS khu Nam.

Điều này cũng tương tự khu Đông đã từng "đón sóng" từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hồi cuối 2013 và cả năm 2014.

Gần 2 năm "im ắng", nhiều dự án dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ đã rục rịch triển khai. Điển hình như trường hợp của Novaland, sau cụm căn hộ Sunrise City đã hình thành ở khu dân cư Him Lam - Kênh Tẻ, tập đoàn này đã mua khu đất hơn 39.000m2 tại khu dân cư Trần Thái (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) liền kề khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng để phát triển khu phức hợp căn hộ - văn phòng - trung tâm thương mại Sunrise Riverside (8 tòa tháp) với quy mô hơn 2.200 căn hộ (giá từ 2 tỷ đồng/căn) cùng 866 căn office-tel... Tuy nhiên, Novaland không tiết lộ chi tiết về thương vụ mua bán khu đất này.

Đại diện Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, bên cạnh khu căn hộ đang triển khai là Hưng Phát Silver Star (hay còn gọi là Hưng Phát 2, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), trong giai đoạn từ 2015 - 2017, sẽ đưa ra thị trường trên 2.000 căn hộ (từ Hưng Phát 2 đến Hưng Phát 6), với sự hỗ trợ tài chính một phần từ Vietinbank.

>>BĐS khu Đông, Nam Sài Gòn: Nhiều dự án gia nhập thị trường

Ngoài những công trình trên, theo ghi nhận của chúng tôi, dọc theo trục đường Nguyễn Hữu Thọ, hiện nay, một số khu nhà ở khác cũng đang trong giai đoạn mở bán như: The Park Residence (M.I.K Corporation), Dragon Hill Residence and Suites 2 (Công ty CP Địa ốc Phú Long), khu biệt thự Galleria (Công ty Kiến Á),...

Và trong tương lai là sự hình thành của các khu đô thị lớn như: GS MetroCity (Tập đoàn GS, Hàn Quốc), khu 240ha của Phú Mỹ Hưng (từ hợp đồng BT, xây dựng nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh).

Nguồn tiền đi về đâu?

Không bàn về sức hút của khu Đông trong thời gian vừa qua, cùng với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thì tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Vành đai 2 (nối từ nút giao Đồng Văn Cống - cầu Phú Mỹ hay còn gọi là nút giao Mỹ Thủy) là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy BĐS dọc theo các trục này phát triển.

Theo Savills Việt Nam, trong quý III vừa rồi, chỉ tính riêng phân khúc căn hộ, thị trường đã đón nhận 13 khu mới và các giai đoạn mở bán 9.550 căn hộ, trong đó, nguồn cung và tỷ lệ hấp thụ chủ yếu ở Q. Bình Thạnh, Q.2 và Q.7.

Cũng theo Savills, từ quý IV/2015 đến năm 2017, thị trường sẽ có khoảng 57.500 căn hộ từ 92 dự án hiện hữu.

>>"Đũa thần" Metro và sự tăng trưởng thần kỳ BĐS khu Đông TP.HCM

Khoảng 33% tổng nguồn cung tương lai dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay và năm sau. Nguồn cung nhà ở dồi dào, không ít người đặt câu hỏi, đâu là ngách để các nhà phát triển nhà ở tìm kiếm nguồn khách?

Hiện nay, ngoài việc khai thác nguồn khách hàng tại chỗ, một vài chủ đầu tư đã bắt đầu "xuất ngoại" hoặc đón đầu nguồn khách Việt kiều, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại TP.HCM đang muốn sở hữu nhà ở.

Chẳng hạn, Công ty Keppel Land Việt Nam (Singapore), sau khi mở bán Estella Heights giai đoạn 2 - phiên bản đặc biệt (khu An Phú - An Khánh) vào ngày 17/10, đã giới thiệu sản phẩm ở Singapore trong hai ngày liên tiếp (24, 25/10) và có hơn 50 sản phẩm được bán ra, đa phần khách mua là người Singapore.

Tuy tỷ lệ hấp thụ nhà ở tích cực, nhưng một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS bày tỏ quan điểm, gần đây, việc các ngân hàng tiến hành tăng lãi suất huy động sẽ có tác động đến thị trường BĐS, đặc biệt là từ phía người mua.

Theo đó, một số nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, thay vì bỏ tiền vào BĐS, sẽ phân bổ một phần sang gửi tiết kiệm.

Riêng với người mua nhà để ở, nhằm gia tăng tính cạnh tranh, các chủ đầu tư chắc chắn sẽ có những chính sách thanh toán phù hợp, chẳng hạn như thanh toán một phần, phần còn lại sẽ được kéo giãn đến khi nhận nhà, hoặc kết hợp với ngân hàng thiết kế các gói vay với lãi suất ổn định trong vòng 3 - 5 năm để "trấn an" người mua nhà khi lãi suất huy động tăng.

>>Đại gia BĐS Việt "đua nhau" đầu tư ra nước ngoài

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường BĐS: Cú hích từ hạ tầng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO