Minh bạch đấu giá đất, tạo hiệu quả cho nguồn thu

NGUYÊN BẢO| 17/11/2017 03:55

Tại "Hội thảo trao đổi về công tác quản lý dự án BT, thực trạng và giải pháp" mới đây do UBND TP.HCM chủ trì, nhiều diễn giả tham gia bày tỏ quan điểm, trong trường hợp có quỹ đất sạch thì phải thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất riêng biệt, công khai, minh bạch với dự án BT (xây dựng - chuyển giao), không triển khai theo cách cũ là "hàng đổi hàng".

Minh bạch đấu giá đất, tạo hiệu quả cho nguồn thu

Số tiền thu được từ các cuộc bán đấu giá đất có thể sử dụng hoàn trả cho nhà đầu tư dự án BT. Hơn nữa, theo các diễn giả, danh sách các dự án BT, quỹ đất sạch trên địa bàn thành phố cần được công khai để tất cả nhà đầu tư đều có cơ hội tham gia thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi.

Thực tế cho thấy, việc đấu giá tài sản, đất đai một cách độc lập, công khai đã đem về nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Chẳng hạn như việc đấu thầu khu đất vàng 23 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), đã có 13 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả, Công ty TNHH TM-DV Khách sạn Tân Hoàng Minh đã vượt qua 12 đối thủ để thắng đấu giá với số tiền 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm mà Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM niêm yết.

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM, từ năm 2011 đến tháng 3/2017, trung tâm đã tổ chức 215 cuộc bán đấu giá, với giá trị ban đầu của tài sản là hơn 3.200 tỷ đồng nhưng giá trị thu về là trên 4.000 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với giá khởi điểm.

Đáng chú ý, trong số này có việc bán đấu giá hơn 200 nền đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giá trị thu về cho ngân sách nhà nước cao hơn 90 lần so với giá khởi điểm. Hay khu đất ở quận 3, thuộc quản lý của Công an TP.HCM, giá khởi điểm là 27 tỷ đồng nhưng giá trị thu về là hơn 40 tỷ.

Đại diện của Trung tâm này cũng cho rằng, một trong những trở ngại của việc đấu giá đất là thị trường. Điều này đã từng thấy trong thực tế, như trường hợp của khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), sau nhiều lần đấu giá công khai một số khu đất ngay thời điểm thị trường bất động sản đóng băng (năm 2009 - 2011) đã không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Đến nay, phần lớn các công trình (chủ yếu là nhà ở) tại đây đều được hình thành từ các hợp đồng BT đổi đất lấy hạ tầng.

Liên quan đến Thủ Thiêm, TS. Huỳnh Thế Du phân tích, hiện bán đảo này chưa có công trình trọng điểm để tạo điểm nhấn. Năm 2009, Thành phố chi khoảng 20.000 tỷ đồng cho công tác đền bù, giải tỏa cho Thủ Thiêm, song đến nay, mức lãi suất phải trả đã bằng với số tiền bỏ ra. Nếu so với Đà Nẵng (diện tích tương đương với Thủ Thiêm) trong vấn đề chỉnh trang đô thị, thì Thành phố cần đánh giá lại tính hiệu quả của các phương thức triển khai trong thời gian qua.

Bên cạnh yếu tố thị trường thì việc làm sao tránh được sự thông đồng giá, hoặc chào thầu là điều vô cùng quan trọng trong các cuộc đấu thầu, đấu giá tài sản.

Theo ông Phạm Văn Sỹ, sẽ có môi trường minh bạch trong đấu giá, đấu thầu trong thời gian tới, với hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể là từ ngày 1/1/2018, theo luật mới, hành vi thông đồng giá, hoặc cố tình để lộ thông tin mời thầu sẽ bị khép tội hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Minh bạch đấu giá đất, tạo hiệu quả cho nguồn thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO