Địa ốc tung chiêu kích cầu

13/03/2012 06:29

Nhận nhà khi đóng 50% giá trị hợp đồng và được hỗ trợ lãi suất 1% một tháng, thậm chí 0% trong 24-60 tháng để trả góp căn hộ hoặc giãn tiến độ thanh toán... là hàng loạt chiêu kích cầu của các dự án căn hộ tại TP.HCM.

Địa ốc tung chiêu kích cầu

Nhận nhà khi đóng 50% giá trị hợp đồng và được hỗ trợ lãi suất 1% một tháng, thậm chí 0% trong 24-60 tháng để trả góp căn hộ hoặc giãn tiến độ thanh toán... là hàng loạt chiêu kích cầu của các dự án căn hộ tại TP.HCM.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang tìm cách cải thiện tính thanh khoản của thị trường bất động sản bằng hàng loạt chương trình kích cầu, nổi cộm nhất là mua trả góp với lãi suất thấp và giao nhà sớm.

Đại diện Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho hay, trong tháng 3, doanh nghiệp sẽ mở bán giai đoạn 2 cao ốc Quang Thái Apartment (quận Tân Phú) kèm theo ưu đãi dành cho khách hàng.

Thị trường địa ốc TP.HCM đang nở rộ nhiều gói kích cầu: hỗ trợ lãi suất, bàn giao nhà sớm... để thuyết phục "thượng đế" đổ tiền vào bất động sản. Ảnh: Vũ Lê

Khách hàng thanh toán 50% giá trị hợp đồng là được nhận nhà vào tháng 9 với giá bán 13,5 triệu đồng mỗi mét vuông. Số tiền còn lại người mua nhà được vay trả góp trong 2 năm với lãi suất 0%. Nếu khách hàng thanh toán một lần 95% giá trị hợp đồng sẽ được giảm 12% giá mua căn hộ.

Cũng tung gói kích cầu, Công ty Inveskia, chủ đầu tư dự án Imperia An Phú (quận 2) đưa ra chương trình hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho khoản vay của khách hàng từ lúc bắt đầu vay đến khi nhận nhà (tương đương 75% giá trị căn hộ). 

Trong khi đó, đại diện Công ty Lê Thành cho biết đầu tháng 4 sẽ mở bán 100 căn hộ diện tích 65-70 m2, giá 14 triệu đồng mỗi mét vuông (quận Bình Tân), giá khoảng 1 tỷ đồng.

Gói kích cầu được doanh nghiệp tung ra là khách đóng 50% giá trị căn hộ sẽ được nhận nhà; số tiền còn lại chủ đầu tư cho vay trả góp trong 5 năm với lãi suất cố định 1% mỗi tháng.

Tuy không dùng chiêu hỗ trợ lãi suất, Công ty Becamex TDC bán dự án Uni Tower chọn phương thức giãn tối đa tiến độ thanh toán để hút khách. Cụ thể, khách hàng mua dự án này chỉ thanh toán 4-10% giá trị hợp đồng là có thể nhận nhà trong năm 2012. Khoản tiền còn lại chủ đầu tư chia thành 29 đợt nhỏ và được thanh toán trong vòng 54 tháng.

Thậm chí, dự án đất nền Nature Land Đông Tăng Long (quận 9) được mở bán 10 triệu đồng mỗi mét vuông cũng tung chiêu. Cụ thể, khách hàng mua dự án này được tặng sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, được vay 90% giá trị nền đất. Thậm chí chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần địa ốc Thăng Long còn cam kết hoàn tiền lãi suất cho khách đặt mua nếu sau 3 năm giá đất không tăng bằng lãi suất ngân hàng. 

Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận định: "Bài toán hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay mua nhà đất và giãn tiến độ thanh toán cho thấy chiến lược vượt khủng hoảng đang đi theo chiều hướng tích cực, có lợi cho người mua".

Theo ông Nghĩa, nguồn tiền mặt đang khan hiếm cộng thêm thanh khoản bị hạn chế sẽ khiến cho nhà đầu tư quay lưng với thị phần căn hộ. Trong khi đó, người có nhu cầu an cư khao khát có nhà lại không đủ lực về tài chính, đi vay thì ngán lãi suất quá cao.

"Tôi tin rằng nếu được nhận căn hộ sớm, được hỗ trợ mua trả góp với lãi suất thấp hơn ngân hàng hoặc thanh toán nợ dài hạn thì "thượng đế" sẽ nhanh chóng đón nhận các hình thức kích cầu", ông nói.

Chuyên gia này cho rằng, điều kiện cần và đủ để các dự án thuyết phục được khách hàng đổ tiền vào căn hộ là: chủ đầu tư uy tín trên thị trường, dự án đúng tiến độ, giá sản phẩm vừa túi tiền, các hình thức hỗ trợ kích cầu phù hợp với người có thu nhập trung bình, giao thông thuận tiện...

Ông Nghĩa cho rằng, lối ra duy nhất cho doanh nghiệp địa ốc trong giai đoạn thị trường khát vốn như hiện nay là tạo lực hút dòng tiền vào dự án một cách ổn định trong dài hạn. Để làm được điều này, chủ đầu tư phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận, thậm chí là chịu lỗ cốt duy trì được bộ máy để hoàn thành dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Địa ốc tung chiêu kích cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO