Đầu tư BĐS công nghiệp: Mở rộng không gian

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 07/09/2017 08:29

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng, việc giải ngân vốn vẫn duy trì đều đặn đã kích thích lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp.

Đầu tư BĐS công nghiệp: Mở rộng không gian

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng, việc giải ngân vốn vẫn duy trì đều đặn đã kích thích lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp (KCN).

Đọc E-paper

Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn bên lề Hội nghị Xúc tiến thương mại và đầu tư năm 2017 giữa doanh nghiệp (DN) TP.HCM với DN tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) diễn ra hồi tháng 8 vừa rồi, ông Từ Phong Bội - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hong Yeung Việt Nam (đơn vị đầu tư KCN Nhơn Hội - khu B, thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội quy mô hơn 12.000ha tại Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ, cùng với khu này, DN đang nhắm đến cơ hội mở rộng thêm hạng mục đầu tư ở Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam.

Nói về đầu tư ở Việt Nam, ông Từ Phong Bội cho biết thêm, trong tháng 8, một DN dệt đến từ Thượng Hải đã thuê đất tại KCN Nhơn Hội. Sự xuất hiện của DN này sẽ kéo theo các DN làm về máy móc, nguyên phụ liệu khác trong ngành dệt may triển khai sản xuất vải, tạo thành chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu khép kín cho ngành dệt may - mắt xích quan trọng mà ngành dệt may Việt Nam chưa có được. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, dự án sẽ được triển khai.

Hong Yeung Việt Nam cũng đang tiến hành ký kết với một DN đến từ Bắc Kinh chuyên về tấm che năng lượng mặt trời, khí tự nhiên. Mỗi bên sẽ góp 5 triệu USD để triển khai dự án này, tạo thành mô hình "Smart City" ngay trong KCN Nhơn Hội. KCN Nhơn Hội cũng sẽ dành 30 - 40ha đất cho hạng mục thương mại, đây sẽ là khu trưng bày các sản phẩm về vải. Mục tiêu của Hong Yeung Việt Nam là biến KCN Nhơn Hội thành khu chuyên phục vụ cho ngành dệt may. Ông Từ Phong Bội cho biết, Hong Yeung Việt Nam đã bỏ vào KCN Nhơn Hội khoảng 90 triệu USD để đầu tư, xây dựng hạ tầng, ước tính, khi toàn khu đi vào vận hành sẽ tạo ra tổng giá trị kinh tế hơn 10 tỷ USD mỗi năm.

>>Khu công nghiệp phía Nam: Tăng tỷ lệ lấp đầy nhờ "sóng FDI"

Cũng theo ông Từ Phong Bội, Hong Yeung Việt Nam đang nhắm đến việc đầu tư khu phức hợp công nghiệp, thương mại tổng hợp tại Long Thành (Đồng Nai) với nhu cầu về diện tích lên đến 2.000 - 5.000ha. Theo kế hoạch, đây sẽ là khu tổng hợp, bao gồm các phân khu như KCN, chợ đầu mối, trung tâm kỹ thuật - đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, trưng bày sản phẩm công nghệ cao ở nhiều lĩnh vực, là cầu nối để các công ty trên thế giới có thể đưa sản phẩm đến đây trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam.

Ở Trung Quốc hiện đã có các khu với tính chất tương tự tại Thẩm Quyến, Trung Sơn. Tổng mức đầu tư cho dự án ở Long Thành có thể lên đến hàng tỷ đô la Mỹ, về mặt quy hoạch, nơi đây sẽ được phân bổ thành nhiều phân khu chức năng và mỗi khu sẽ giao cho tập đoàn có thế mạnh trong lĩnh vực đó triển khai để nâng cao hiệu quả khai thác, cụ thể là thuận tiện trong vấn đề kết nối với các DN trong ngành.

Trong buổi gặp Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hồi tháng 5/2017, ông Kelvin Teo - Tổng giám đốc Điều hành Công ty Sembcorp Development (thuộc Tập đoàn Sembcorp Industries, Singapore) đã bày tỏ mong muốn đầu tư xây dựng Công viên Sáng tạo (Innovation Park) tại TP.HCM. Ông Kelvin bày tỏ: "Chúng tôi muốn tìm vị trí thích hợp tại TP.HCM với quy mô 50 - 100ha để phát triển Công viên sáng tạo, đây không phải là KCN thông thường mà là nơi tích hợp không gian nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, khu mua sắm, nhà ở cho chuyên gia, kỹ sư, đồng thời nằm gần tuyến tàu điện ngầm".

Trước đó, Tập đoàn Sembcorp đã triển khai dự án tương tự tại Nam Kinh và Thành Đô (Trung Quốc). Những dự án như thế được xem là xu hướng mới mà Sembcorp hướng đến, nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/8/2017, trong tổng số 23,36 tỷ USD vốn ngoại vào Việt Nam (tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016), có 13,45 tỷ USD (tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016) đến từ 1.624 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 6,4 tỷ USD (tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái) từ 773 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn.

Cũng tính đến ngày 20/8, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,3 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là DN sản xuất trong khu vực châu Á tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến để xây dựng nhà máy, mở rộng kinh doanh. Chính điều này đã tác động tích cực đến tình hình cho thuê, giá thuê đất tại các KCN. Nhu cầu về đất đai của DN vẫn còn lớn nên nhiều nhà phát triển hạ tầng đã bày tỏ ý định tiếp tục xây dựng KCN, đáng chú ý là các nhà đầu tư ngoại vốn có lợi thế trong việc khai thác nguồn khách đến từ các công ty đa quốc gia hoặc cùng quốc tịch với họ.

>>Khu công nghiệp: Những cuộc đua ngầm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư BĐS công nghiệp: Mở rộng không gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO