Đất dự án trước áp lực giảm giá

QUỲNH MAI| 30/07/2009 08:45

Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là phân khúc đất dự án đang đứng trước áp lực giảm giá bởi sức cầu của thị trường yếu...

Đất dự án trước áp lực giảm giá

Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là phân khúc đất dự án đang đứng trước áp lực giảm giá bởi sức cầu của thị trường yếu...

Sợ “kịch bản tiền tệ”

Theo nhận định của một số chuyên gia, tình trạng treo giá rất cao chờ người mua sẽ không tồn tại được lâu nữa. Các kênh thông tin hỗ trợ cho thị trường đều trong tình trạng kém lạc quan. Trong đó, những thông tin kinh tế vĩ mô gần đây, đặc biệt là các thông tin về chính sách tiền tệ đang gây áp lực lên thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc thị trường đất dự án. Các phương tiện truyền thông dẫn một số thông tin như dư nợ tín dụng BĐS đã ở trên mức 10% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ lệ dư nợ tín dụng BĐS trong thời điểm này tương đương với tỷ lệ dư nợ tín dụng BĐS của thời điểm cuối năm 2007, đầu năm 2008.

Phân khúc thị trường đất dự án đang đứng trước áp lực giảm giá

Theo kịch bản chính sách tiền tệ năm 2008, tại thời điểm dư nợ tín dụng BĐS tăng lên đến mức trên 10% đã có những biện pháp siết lại. Từ đó làm xẹp bong bóng giá nhà đất trong thời gian ngắn. Vấn đề hiện nay không chỉ là tỷ lệ dư nợ tín dụng BĐS đang cao, mà ngay cả lạm phát cũng có những biểu hiện tăng trở lại. Một số tổ chức tín dụng đã tăng lãi suất huy động. Tất cả những điều này dẫn đến suy luận: siết tín dụng có khả năng xảy ra. Theo anh Vương Đình Tuệ - Giám đốc một công ty môi giới kinh doanh nhà đất ở Nam Sài Gòn: “Đối với phân khúc thị trường BĐS là đất dự án, áp lực ra hàng khi giá đang đỉnh nhất buộc những người có nhu cầu bán phải điều chỉnh giá xuống, chứ không thể treo giá mãi được”.

Diễn biến của thị trường BĐS trong vòng ba tháng qua có nhiều điểm giống với kịch bản cơn sốt BĐS năm 2007 và đầu năm 2008, đó là tình trạng tăng giá nhanh. Tuy nhiên, có một khác biệt cơ bản làm nên sự khác nhau trên bình diện chung của hai cơn sốt, đó là sự ảm đạm trong giao dịch trên thị trường BĐS. Theo anh Bùi Tiến Thắng - Phó tổng giám đốc Sacomreal, giá đất tăng nhanh trong thời gian qua phần nào do tác động của niềm tin và sự kỳ vọng của việc chuyển luồng tiền từ chứng khoán sang BĐS. Trên thực tế, mức độ giao dịch trên thị trường trong thời gian qua là rất thấp, nên có thể nói là chưa có một sự chuyển đổi đáng kể nào từ kênh đầu tư chứng khoán sang BĐS.

Giao dịch giảm, giá đất chùng

Thực tế, diễn biến của thị trường BĐS trong hai tuần qua đã phần nào đi theo hướng phân tích kể trên. Trong tháng 6/2009, giá nền đất trong các dự án thuộc hàng hấp dẫn, có tính thanh khoản cao ở Nam Sài Gòn đã được đẩy lên đến giá đỉnh của cơn sốt cuối năm 2007, đầu năm 2008.

Cụ thể, tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn, giá nền đất trong các dự án hàng top đứng ở mức cao ngất ngưởng, chỉ thua giá đỉnh của cơn sốt cuối năm 2007, đầu năm 2008 khoảng 10%. Dự án Him Lam (trên đường Nguyễn Thị Thập, Q.7), các nền có ký hiệu K, Q đều nằm trong mức 82 - 85 triệu đồng/m2. Mức giá này chỉ thấp hơn giá đỉnh điểm của cơn sốt giá nhà đất năm 2007 từ 5 đến 8 triệu đồng/m2. Hai tuần trở lại đây, giá đất trong dự án này đã chùng xuống khá nhiều.

Giá chào bán nền đất trong dự án Him Lam - Nguyễn Thị Thập hiện nay đều dưới ngưỡng 80 triệu đồng/m2 (giảm từ 3 - 5 triệu đồng/m2). Dự án Trung Sơn, hiện tượng cá biệt tăng giá hơn 100% trong ba tháng 4, 5 và 6 cũng đã chùng xuống đáng kể. Đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Cừ chào bán phổ biến dưới ngưỡng 75 triệu đồng/m2, thấp hơn giá đỉnh trong tháng 6 gần 10 triệu đồng. Mặc dù đất dự án không có những biểu hiện chùng xuống đáng kể, nhưng so với giá đất tháng 2 (trước cơn sốt) thì vẫn còn rất cao. Điều này lý giải vì sao giá đất đã chùng nhưng mãi lực vẫn chưa thể tăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đất dự án trước áp lực giảm giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO