Dang dở các dự án casino tỷ đôla

08/08/2013 04:42

Khi mà những quy định về việc cấm người Việt vào chơi tại các sòng bài ngày càng được cụ thể hóa, nhiều ông chủ ngoại bắt đầu thấy nản lỏng trước cơ hội đầu tư từng được họ xem là rất hấp dẫn.

Dang dở các dự án casino tỷ đôla

Khi mà những quy định về việc cấm người Việt vào chơi tại các sòng bài ngày càng được cụ thể hóa, nhiều ông chủ ngoại bắt đầu thấy nản lỏng trước cơ hội đầu tư từng được họ xem là rất hấp dẫn.

Xây khung pháp lý cho đầu tư casino
Lối nào cho casino vào Việt Nam?
MGM rút khỏi khu phức hợp casino Hồ Tràm

Nhiều dự án casino dậm chân tại chỗ. Ảnh: WSJ

Năm 2010, Genting Malaysia Berhad, công ty con của Tập đoàn Genting (Malaysia) cũng Tập đoàn VinaCapital từng tỏ ra rất hào hứng khi tuyên bố đầu tư tới 4 tỷ USD vào dự án nghỉ dưỡng Nam Hội An, với một trong những hạng mục quan trọng là khu kinh doanh trò chơi có thưởng (casino).

Tuy nhiên, đến năm 2012, nhà đầu tư này lại bất ngờ tuyên bố rút khỏi dự án mà không đưa ra lý do cụ thể.

Một đại gia khác của ngành "cờ bạc" - Las Vegas Sands vào cuối năm 2012 cũng cho biết có kế hoạch đầu tư hai khu nghỉ dưỡng phức hợp tại Việt Nam với tổng trị giá 6 tỷ USD, nhưng đến nay chưa có thêm động thái nào.

Trả lời báo chí khi đó, Chủ tịch Las Vegas Sands chia sẻ casino là yếu tố chính mang lại lợi nhuận cho khu nghỉ dưỡng, nhưng pháp luật Việt Nam lại đang hạn chế đối tượng vào chơi.

Được nhắc đến nhiều nhất hiện nay chính là dự án Hồ Tràm Strip 4,2 tỷ USD của Asian Coast Development Limited (Canada), dù giai đoạn một gồm khu casino 90 bàn chia bài và 614 máy trò chơi điện tử có thưởng đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 7, nhưng so với kế hoạch cũng vẫn bị chậm nửa năm.

Bên cạnh đó, dự án cũng vướng vào nhiều lình xình như bị Tổng giám đốc kiện, nhà điều hành MGM Hospitality thông báo rút khỏi dự án...

Ngoài ra, một loạt các dự án casino tỷ USD khác cũng đang dậm chân tại chỗ: New City do Tập đoàn New City (Brunei) đầu tư 4,3 tỉ USD tại Phú Yên vẫn đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng dù đã được cấp phép năm 2008.

Chung cảnh ngộ là Sài Gòn Atlantis Hotel 4,1 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án Bãi Biển Rồng 4 tỷ USD tại Quảng Nam cũng đã bị thu hồi do không chứng minh được tài chính.

Mới đây nhất, tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu VinaCapital phải báo cáo nhà đầu tư thay thế Genting trong tháng 9 này, sau đó mới quyết định tương lai của dự án Nam Hội An, ông Đỗ Xuân Diện - Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai trao đổi với PV.

Như vậy, hàng loạt dự án casino do nước ngoài đầu tư đến nay vẫn chưa thấy rõ tương lai. Trong khi đó, Thủ tướng đã chính thức ký ban hành Nghị định về kinh doanh casino, nêu rõ không cho phép người Việt Nam tham gia chơi tại các tụ điểm này.

Đây cũng là loại hình không được hưởng bất kỳ ưu đãi thuế, phí nào liên quan đến mua các máy, thiết bị trò chơi điện tử cũng như các khoản thuế, phí phải nộp từ hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng.

Các chuyên gia cho rằng, với quy định này nhà đầu tư sẽ có thêm rào cản khi tính việc đầu tư xây casino, do lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa lớn bằng các nước, vùng lãnh thổ lân cận như Macau, Hongkong (Trung Quốc) hay Singapore.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, năm 2012, có gần 7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, chưa bằng một nửa của Singapore.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, dù không "mặn mà" với việc thu hút đầu tư nước ngoài từ casino nhưng nếu đã cho làm, cần có chính sách thỏa đáng cho hoạt động này.

"Các chính sách liên quan đến casino đang mâu thuẫn với nhau. Trong khi người Việt đi đánh bạc ở biên giới và nước ngoài rất lớn thì không quản lý được thì người ta chơi trong nước lại cấm.

Do đó, cần một chính sách có hiện thực hơn, kiểm soát hiệu quả những người đến casino, tránh việc chạy sang nơi khác chơi", ông nói. Theo ông, nếu giải quyết được vấn đề này thì mới nên bàn tới câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài lĩnh vực kinh doanh trò chơi có thưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dang dở các dự án casino tỷ đôla
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO