Cơ chế phù hợp thị trường mới phát triển mạnh

02/08/2009 07:30

Theo đại diện các doanh nghiệp thì đây chính là điểm mấu chốt để ngành bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh.

Cơ chế phù hợp thị trường mới phát triển mạnh

Theo đại diện các doanh nghiệp thì đây chính là điểm mấu chốt để ngành bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh.
Thiếu chuyên nghiệp

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Việt Nam đã có thị trường bất động sản hay chưa? Đó là câu hỏi của không ít doanh nghiệp và những người làm việc liên quan đến lĩnh vực này đặt ra khi tham gia cuộc hội thảo “Thị trường bất động sản: Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm” được tổ chức sáng nay (1/8) tại số 9 Đào Duy Anh (Hà Nội).

Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Việt Nam đã có thị trường bất động sản, có tổng lượng giao dịch, lượng tiền trong nước, nước ngoài. Các chính sách cũng đã được đề ra và nhu cầu của người dân rất lớn. Nhìn nhận một cách tổng quan thị trường bất động sản rất giàu tiềm năng nhưng sự phát triển của lĩnh vực này vẫn còn thiếu chuyên nghiệp và mang tính “chộp giật””.

Sự thiếu chuyên nghiệp trong phát triển thị trường bất động sản ở nước ta thể hiện ở chỗ hệ thống chính sách đã có nhưng chưa tốt, còn nhiều điểm mang tính chất ràng buộc và gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Đây là sự thiếu chuyên nghiệp từ cơ quan Nhà nước đến các doanh nghiệp liên quan. Để khắc phục cho thiếu sót này thì chúng ta cần phải có một cơ chế chính sách đồng bộ.

Trong doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực này thì kiến thức về bất động sản còn chưa nhiều. Để khắc phục sự yếu kém này thì cần đẩy mạnh công tác đào tạo doanh nghiệp làm bất động sản.

Sự không chuyên nghiệp còn thể hiện ở chỗ, người dân còn trông chờ vào sự bao cấp và ỷ lại rất lớn. Đầu tư vào bất động sản cũng mang tính chất phong trào và tin đồn. Các nhận định về thị trường bất động sản còn cảm tính.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận rằng: “Nhà nước vẫn chưa đưa ra được những thông tin đầy đủ để cho các cơ quan truyền thông, các chuyên gia có thể nhận định được xác thực cho thị trường bất động sản”.

Doanh nghiệp cần cơ chế

Ông Tống Văn Nga - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Năm 2009, các nhà đầu tư bất động sản đang đứng trước những thách thức lớn bởi sự suy thoái kinh tế đã và đang trực tiếp tác động vào Việt Nam. Thị trường bất động sản có xu hướng giảm hẳn các giao dịch và đi xuống.

Tuy nhiên, việc mở rộng các đô thị cũng như tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương sẽ làm tăng nhu cầu về bất động sản: nhà ở, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và các khu công nghiệp...

Một yếu tố khác có thể tác động tích cực vào thị trường bất động sản là từ ngày 1/1/2009, chúng ta bắt đầu thực hiện Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam (trong 80.000 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì có khoảng 10.000 người có nhu cầu).

Ông Tống Văn Nga - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Thời gian qua Hiệp hội có rất nhiều ý kiến, đề xuất với các cơ quan quản lý nên có các cơ chế chính sách phù hợp để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững”.

Cũng theo ông Nga, một trong những vấn đề cơ bản hiện nay của thị trường bất động sản vẫn là vốn, là mối quan hệ giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Trên thực tế, sự chênh lệch cung - cầu của thị trường bất động sản vẫn còn rất lớn. Cho nên tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định mạnh dạn đầu tư cho những dự án có tính khả thi cao. Bởi vậy, trong giai đoạn hiện nay cần tiếp tục có sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách của chính phủ như về thuế, cải cách thủ tục hành chính, chính sách lãi suất cho vay...

 Ông Holger Molendyk

Một vấn đề mà các doanh nghiệp hết sức quan tâm hiện nay là hình thức giao dịch qua sàn, nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng cho vấn đề này ngoài việc từ 1/1/2009, các sàn bắt buộc phải đạt yêu cầu chuyên môn theo Luật Kinh doanh BĐS.

Còn nghị định 153/2007/NĐ-CP bắt buộc các công ty kinh doanh BĐS phải giao dịch qua sàn đã phát sinh nhiều câu hỏi từ phía nhà đầu tư, các chuyên gia. Ví như phát sinh các thủ tục, giấy phép con, tăng chi phí dịch vụ như vấn đề hàng hóa qua sàn sẽ tính như thế nào, thù lao qua sàn, tính trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh sàn, những quy định được cho là quá khắt khe, tính bảo đảm thông tin của các sàn...

Đấy là chưa nói đến việc hiện nay vẫn chưa có một sàn giao dịch nào được công nhận là sàn chuẩn.

Đồng quan điểm trên, ông Holger Molendyk – Giám Đốc Đầu tư và Phát triển Kinh doanh, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng cho rằng: “Chúng ta cần có các quy định rõ ràng và thoải mái hơn đối với việc mua nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam để kích thích nhóm khách hàng này. Cần thi hành và duy trì nghiêm khắc sàn giao dịch để giúp chủ đầu tư có được vị trí thuận lợi trên thị trường và để có được những dự báo, nghiên cứu đối tượng khách hàng và nghiên cứu cạnh tranh để các dự án được thành công.

Đồng thời cần phải có trách nhiệm pháp lý ràng buộc để chủ đầu tư giữ lời hứa với khách hàng và nhất là thi hành nhất quán giá căn hộ chung cư”.

Ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vincom

Ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vincom bổ sung: “Việc khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là vấn đề giải phóng mặt bằng. Hiện nay, nếu tự các doanh nghiệp làm việc này sẽ khó do người dân ép giá tuy rằng đấy không phải là giá thực. Tuy nhiên nếu có cơ quan thẩm quyền nào đứng ở giữa thì sẽ dễ dàng hơn.

Và nếu có chính sách đền bù cụ thể thì sẽ tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bất động sản. Hơn nữa nhà nước cần phải rõ ràng với những đất thuê 50 năm hay 70 năm thì sau đó sẽ xử lý thế nào, nhà nước có cho doanh nghiệp tiếp tục thuê hay là sẽ thu hồi…”.

Bởi vậy theo ông Hiệp, nhà nước cần phải có chính sách, quy định rõ ràng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào ngành bất động sản.

Về mặt chính sách: đa số đại diện các doanh nghiệp cho rằng luôn luôn bị chậm so với thực tế. Chúng tôi cũng mong rằng, các nhà quản lý có những chính sách ngày càng bám sát thực tiễn và nếu như đi trước được nữa thì sẽ tốt hơn. Có như vậy sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong kinh doanh bất động sản.

Ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, những chính sách cho sự phát triển của ngành bất động sản đã được nhà nước xây dựng và tiếp tục bổ sung cho phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Cũng thông qua hội thảo này, ông mong muốn những kiến nghị từ phía doanh nghiệp về cơ chế chính sách sẽ được gửi tới cơ quan lãnh đạo nhà nước nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng phát triển và ổn định hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế phù hợp thị trường mới phát triển mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO