Bất động sản bán lẻ và du lịch: Tiến về miền Tây

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU| 27/09/2016 01:24

Sau gần 8 năm rút về thành thị, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu trở lại các tỉnh miền Tây Nam bộ và tập trung phát triển bất động sản bán lẻ và bất động sản du lịch.

Bất động sản bán lẻ và du lịch: Tiến về miền Tây

Sau gần 8 năm rút về thành thị, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản bắt đầu trở lại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Song, thay vì đầu tư khu dân cư, khu công nghiệp như thời điểm 2006 - 2008, họ tập trung phát triển bất động sản bán lẻ và bất động sản du lịch. 

Đọc E-paper

Tính đến thời điểm này, cả 3 DN phát triển và vận hành hệ thống bán lẻ lớn là Lotte (Hàn Quốc), Saigon Co.op và Vingroup đều đã có mặt tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều thương hiệu, như siêu thị Co.op Mart, Trung tâm thương mại Sense City (Saigon Co.op), Trung tâm thương mại Vincom (Vingroup).

Nếu xét đến yếu tố thời gian, có thể thấy Saigon Co.op là đơn vị đi tiên phong trong việc khai thác thị trường miền Tây, tuy nhiên, không phải sự mở rộng nào cũng thành công.

Chẳng hạn, năm 2003, siêu thị Co.opmart có mặt ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhưng sau đó không lâu đã "nhường" mặt bằng cho DN khác. Mãi đến năm 2014, siêu thị Co.opmart mới quay lại TP. Cao Lãnh nhưng ở một vị trí khác. Đến nay, thương hiệu bán lẻ này đã mở thêm siêu thị ở thị xã Sa Đéc và đang nghiên cứu đầu tư ở thị xã Hồng Ngự.

Dù là DN ngoại nhưng Lotte vẫn theo đuổi chiến lược mở rộng thị phần ra các tỉnh ngoài TP.HCM. Theo đó, tháng 10/2015, Trung tâm thương mại Lotte Mart thứ 11 đã khai trương ở TP. Cần Thơ với tổng diện tích khai thác trên 18.000m2 sàn, tổng giá trị đầu tư hơn 60 triệu USD.

Hơn nữa, vào tháng 7 vừa qua, tập đoàn này đã đưa vào hoạt động trung tâm thương mại ở Nha Trang với 10.000m2 sàn (gồm khu siêu thị tự chọn và quầy cho thuê). Đây cũng là trung tâm thứ 13 của Lotte sau 8 năm có mặt ở thị trường Việt Nam.

Nói về mục tiêu phát triển hệ thống lên 60 trung tâm thương mại và siêu thị Lotte Mart đến năm 2020, ông Hong Won Sik - TGĐ Lotte Mart Việt Nam cho rằng, số lượng trung tâm thương mại ngoài TP.HCM chiếm khoảng 85% trong tổng số trung tâm thương mại sẽ hình thành.

Lotte Mart ưu tiên phương thức thuê đất dài hạn, đồng thời trong một số trường hợp có thể cân nhắc mô hình thuê mướn (leasing) hay mua bán - sáp nhập (M&A), nhưng rất hạn chế liên doanh với đối tác địa phương. 

>>Bất động sản bán lẻ: Trái chiều ở 2 trung tâm

Còn nhớ, năm 2013, Lotte đã mua khu đất có diện tích gần 7.500m2 từ Công ty Năm Bảy Bảy để xây dựng Trung tâm thương mại Lotte Phan Thiết (Bình Thuận).

Cũng nằm trong chiến lược mở rộng hoạt động, sau lễ khởi công Trung tâm thương mại Vincom Plaza (thuộc khu phức hợp gồm khách sạn 5 sao 18 tầng kết hợp khu căn hộ shophouse) tại TP. Cao Lãnh, tháng 7/2016, tập đoàn Vingroup đã làm việc với địa phương để xây dựng Trung tâm thương mại Vincom ở thị xã Sa Đéc.

Tính đến thời điểm này, Vingroup đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. So với các DN khác, chiến lược của Vingroup là không chỉ đầu tư các bất động sản bán lẻ riêng lẻ mà gần như đầu tư cùng lúc nhiều hạng mục tại một số địa phương.

Mới đây, UBND thành phố Cần Thơ đã chấp thuận về mặt chủ trương cho Tập đoàn Vingroup xây dựng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec tại đường 3 tháng 2, quận Ninh Kiều. Bệnh viện có tổng diện tích 18.000m2, quy mô 500 giường bệnh và tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý I/2018.

Bên cạnh công trình này, Vingroup đã giải ngân vốn vào nhiều công trình như khu phức hợp Vincom Xuân Khánh (quận Ninh Kiều). Tập đoàn này cũng đã đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart+ và chuẩn bị khởi công tổ hợp khu vui chơi, nghỉ dưỡng, sân gofl 18 lỗ tại Cồn Ấu (quận Cái Răng, Cần Thơ). Đó là chưa kể dự án khu vui chơi giải trí Vinpearl Land ở Cồn Nổi có cáp treo nối qua cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều hiện đang được xem xét.

Đối với mảng bất động sản du lịch, không chỉ Vingroup mà gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm về tỉnh lẻ, đặc biệt ở các tỉnh thành phía Nam để triển khai dự án. Theo đó, giữa năm ngoái, Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Phương Nam (SAPro) đã tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc dành cho dự án Mekong Pearl (khu nghỉ dưỡng 5 sao kết hợp giữa mô hình condotel và resort) tại Cồn Phụng, Bến Tre.

Hầu hết, các nhà phát triển bất động sả khi đầu tư hạng mục nghỉ dưỡng ở các tỉnh thường chuộng phân khúc 5 sao, bởi đây là hạng mục khá hiếm hoi về nguồn cung, trong khi nhu cầu của khách du lịch, khách MICE (dự hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng) ngày một tăng.

Ông Hong Won Sik cho rằng, một trong những thuận lợi, hay nói đúng hơn là ưu thế của các tỉnh trong việc thu hút nhà đầu tư là được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương, nhiều chính sách ưu đãi, giá đất còn rẻ và sự đón nhận của khách hàng cũng tích cực hơn.

Song, cái khó là chi phí logistics và hạ tầng kết nối vẫn còn nhiều hạn chế. Để thúc đẩy các địa phương phát triển, những tuyến đường lớn nối TP.HCM và các tỉnh miền Đông - Tây Nam bộ đã tìm được nguồn vốn, trong đó cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đã tìm được nhà đầu tư.

Riêng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Bình Phước, qua Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau cũng đang được gấp rút hoàn thành, đặc biệt là cầu Cao Lãnh (qua sông Tiền), cầu Vàm Cống (qua sông Hậu),... Một khi các công trình hạ tầng này hoàn thiện sẽ tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa, khách du lịch, khai thác triệt để thế mạnh trong thu hút đầu tư của các tỉnh ngoài TP.HCM.

>>Bất động sản du lịch: Bên tháo chạy, bên nhập cuộc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất động sản bán lẻ và du lịch: Tiến về miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO