Bất cập nhà ở chung cư: Sống chung với lũ

NGUYÊN BẢO| 26/09/2015 02:14

Nhiều khách hàng nghĩ rằng, ở chung cư sẽ tránh được triều cường, ngập do mưa lớn nhưng thực tế thì chưa chắc!...

Bất cập nhà ở chung cư: Sống chung với lũ

Trận mưa lớn tối ngày 15/9 khiến tầng hầm một chung cư ở Bình Tân TP.HCM ngập nặng như đã từng xảy ra ở vài chung cư tại Q.Bình Thạnh và Gò Vấp năm 2014.

Đọc E-paper

Nhiều khách hàng ở TP.HCM nghĩ rằng, ở chung cư sẽ tránh được triều cường, ngập do mưa lớn nhưng thực tế thì chưa chắc!

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nói vui, cách đây hai năm, một trong những tư vấn mà ông chia sẻ với người mua nhà là hãy mua vào mùa mưa và cả thời điểm triều cường.

Vì đây là hai thời điểm mà khách hàng có thể đánh giá được hạ tầng của khu vực quanh chung cư. Ngoài ra, khách có thể đi xem nhà vào lúc tan tầm để kiểm tra thực tế tình trạng kẹt xe trên cung đường từ công sở đến ngôi nhà tương lai.

Nhưng khổ nỗi, với hạ tầng giao thông, cấp thoát nước như hiện nay (dù đã được nhìn nhận là cải thiện hơn rất nhiều so với trước) thì muốn tránh cũng không đơn giản.

Từ năm 2008, TP.HCM đã thực hiện chương trình chống ngập, với số vốn gần 30.000 tỷ đồng nhưng tình trạng ngập nước xem ra vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cơn mưa tối ngày 15/9 đã "phát sinh" 66 điểm ngập, có những trục đường chính ở phía Tây Sài Gòn, mức ngập trên 1m, dù theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập của TP.HCM thì từ 126 điểm ngập năm 2008, nay còn 6 - 7 điểm.

Hiện trạng ngập nước, dù là trên các tuyến đường hay ngay nội tại ở các công trình nhà ở thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cư dân đang sống trong các căn hộ đã được bàn giao lẫn giá trị của các dự án sắp hình thành trong tương lai.

Đại diện HoREA, cho rằng, quyết định mua của khách hàng đối với căn hộ đang xây dựng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng thêm một vài yếu tố, trong đó, có hay không hiện tượng ngập úng. Chung cư đã ngập thì giá trị giao dịch bỗng dưng giảm sút.

Về cơ bản, để giải quyết tình trạng này, các ban quản lý chung cư phải thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì các thiết bị bơm nước, thậm chí là máy bơm dự phòng để ứng phó khi triều cường hay mưa lớn, nếu không quan tâm đúng mức, hầm chung cư rất dễ biến thành hồ chứa nước.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp mà một số chung cư gặp phải là công trình đã xây xong nhưng hệ thống đường sá xây dựng sau đó lại cao hơn so với chung cư.

Đây là tình trạng mà nhiều khu dân cư ở các quận như Bình Thạnh, Bình Tân... đang gặp phải. Việc nâng đường liên tục khiến người dân không kịp trở tay.

Để hạn chế tình cảnh "thành phố bỗng chốc hóa sông", TP.HCM đang có kế hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết và dự kiến đầu năm 2016, xây dựng thí điểm trước 3 hồ khu vực Bàu Cát - Q.Tân Bình (rộng 0,4ha), khu vực Khánh Hội - Q.4 (4,8ha) và hồ Gò Dưa - Q.Thủ Đức (100ha)...

Những hồ này sẽ có vai trò điều tiết, lưu trữ nước khi mưa lớn bất thường, sau đó từ từ thoát ra kênh rạch.

Song, cũng có ý kiến cho rằng, nên chăng thực hiện việc giãn dân ra các đô thị vệ tinh vì với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và việc không hạn chế được tình trạng tăng dân số cơ học thì không có hạ tầng nào đáp ứng kịp.

>Đầu tư chung cư cũ: Không phải miếng ngon

>Cải tạo chung cư cũ: mảnh đất màu mỡ chờ DN

>Cởi nút thắt cho cải tạo chung cư cũ

>Chung cư cao cấp nhanh xuống cấp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất cập nhà ở chung cư: Sống chung với lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO