Vĩnh biệt nhà hàng Pháp!

LĨNH NGUYỄN| 13/05/2009 09:47

Những người sành điệu ẩm thức Pháp sẽ thất vọng khi đến Paris và nhiều thành phố lớn khác ở đất nước nổi tiếng là điểm đến du lịch số một thế giới này: Nhiều nhà hàng đang thi nhau đóng cửa!

Vĩnh biệt nhà hàng Pháp!

Những người sành điệu ẩm thức Pháp sẽ thất vọng khi đến Paris và nhiều thành phố lớn khác ở đất nước nổi tiếng là điểm đến du lịch số một thế giới này: Nhiều nhà hàng đang thi nhau đóng cửa!

Lệnh cấm hút thuốc trong nhà hàng, quán cà phê bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2008, giá dầu tăng cao và rồi khủng hoảng tài chính ở Mỹ bùng nổ từ mùa thu 2008, dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay đã khiến hơn 3.000 nhà hàng, quán cà phê ở Pháp phải đóng cửa. Những nhà hàng và quán cà phê còn hoạt động cho biết doanh thu tiếp tục giảm 20% trong các tháng đầu năm 2009.

Thời mà thực khách đến trễ quá 12 giờ 30 đã hết bàn ăn, ghế ngồi trong nhà hàng ở Paris đã qua rồi. Bánh mì - loại lương thực không thể thiếu hằng ngày của người Pháp - đã tăng giá cao hơn từ hè năm ngoái và bây giờ đến lượt các nhà hàng vắng khách, cho thấy lối sống nhàn nhã thưởng thức ăn ngon, uống ngon kiểu Pháp đang có vấn đề.

Ông Bernard Picolet, 59 tuổi, chủ nhân cửa hàng ngon nổi tiếng Les Amis du Beaujolais trên phố Berri, gần đại lộ Champs Élysées than rằng, trong hơn 20 năm hành nghề, chưa bao giờ ông thấy thực khách chi tiêu dè xẻn như bây giờ. “Cả bố và bác tôi từng kinh doanh nhà hàng cũng nói như vậy. Bây giờ người Pháp không còn ăn uống “sành điệu” như truyền thống xưa nay nữa. Họ đã thay đổi, ăn uống như người Anh”.

Lâu nay, người Pháp chê người dân sinh ra ở bên kia bờ eo biển Manche không biết ăn ngon, không biết thưởng thức cuộc sống. Ngày nay, ông Picolet trách lớp công dân Pháp trẻ chi nhiều tiền cho việc giải trí trong hộp đêm, áo quần, trang thiết bị điện tử mà không có thói quen ăn ngon trong nhà hàng, chỉ biết ăn vội miếng xăng-uých, khoai chiên... “Bây giờ, nhờ có internet nên họ biết nhiều điều nhưng họ không biết khi ăn món cá thì phải bắt đầu như thế nào”. Ông nói rằng, nếu không nhờ số thực khách trung thành - hầu hết là những người Anh đã nhận Paris là quê hương thứ hai - thì nhà hàng cha truyền con nối của gia đình ông đã bị phá sản như số 1.782 nhà hàng phải dẹp tiệm trong 6 tháng đầu năm 2008, tăng 25% so với năm 2007, theo như báo cáo của một công ty bảo hiểm. Nhưng số quán cà phê bị phá sản còn cao hơn rất nhiều, 56% và cũng đã có khoảng 20% các nhà hàng thức ăn nhanh chịu chung số phận.

Theo số các nhà phân tích chuyên ngành, “Cuộc đại khủng hoảng nhà hàng Pháp” hiện nay không chỉ là một hiện tượng chợt đến và sẽ chóng qua như cơn mưa trái mùa. Nó đã xuất phát từ cách nay vài năm và ngày càng trở nên trầm trọng hơn do đã có những thay đổi quan trọng trong lối sống của người Pháp. Lối sống ấy đã bị “Mỹ hóa”, mọi người lo ăn vội, sống nhanh, dành thêm thời giờ để kiếm thêm nhiều tiền nên không còn đếm xỉa gì đến việc hưởng thụ “la dolce vita” (cuộc sống nhẹ nhàng, thư thả, êm ái) nữa.

Tuy nhiên, theo một nhà phê bình ẩm thực có uy tín thường viết cho nhật báo Le Figaro thì các nhà hàng cũng đã góp phần làm cho ngày càng có ít thực khách bước vào nhâm nhi ly apéritif kích thích nhu cầu ăn uống trong lúc chờ món chính. Từ khi người Pháp chào vĩnh biệt với đồng francs Pháp và bắt đầu chuyển hẳn sang việc sử dụng đồng euro vào năm 2002, giá các món ăn cứ tiếp nhau tăng cao hơn (hệ lụy từ thuế VAT, đánh vào các suất ăn). Trong các nhà hàng, nhân viên phục vụ tỏ thái độ không lịch sự khi khách không gọi đủ 4 món và các thức uống phù hợp cho một bữa ăn tối; họ biểu lộ cử chỉ bực dọc, xem thường khi không nhận được tiền “pourboire” hậu hĩ... và luật cấm hút thuốc như “thêm dầu vào lửa”.

Đấy chính là những nguyên nhân đẩy ngành nghề kinh doanh này đến bên bờ vực thẳm. Nên biết rằng, ngành kinh doanh khách sạn và nhà hàng ở Paris trị giá đến 13,2 tỷ USD/năm và thuê dụng 12,1% tổng lực lượng lao động của thành phố này. Dĩ nhiên nhà hàng rặt kiểu Pháp sẽ không thể nào mất hẳn, chỉ thưa thớt đi mà thôi. Nhưng như thế cũng đủ gây khó khăn cho những du khách muốn có lần được ăn ngon đúng điệu ẩm thực “phờ-răng-xe-dờ” ngay tại Kinh đô ánh sáng. Không lẽ muốn được thưởng thức ẩm thực Pháp tiêu biểu lại cứ phải tìm đến Bibi ở đường Thi Sách, quận 1 hay Le Bordeaux trên đường D2, quận Bình Thạnh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vĩnh biệt nhà hàng Pháp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO