Sẽ có bùng nổ du lịch liên châu Á?

DŨNG NGUYỄN| 13/05/2009 09:54

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2009 của hai ngành vận chuyển hàng không và du lịch, lữ hành đều hiện lên những con số âm nhưng các nhà phân tích chuyên ngành tin rằng du lịch châu Á sẽ sớm “vượt qua cơn bão”.

Sẽ có bùng nổ du lịch liên châu Á?

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2009 của hai ngành vận chuyển hàng không và du lịch, lữ hành đều hiện lên những con số âm nhưng các nhà phân tích chuyên ngành tin rằng du lịch châu Á sẽ sớm “vượt qua cơn bão”.

Tin buồn đến trước 

Hàng không Quốc gia Việt Nam vừa cho biết trong quý I/2009 đã thực hiện 18.087 chuyến bay an toàn (tăng 695 chuyến so với cùng kỳ năm 2008) và vận chuyển 2.265.530 hành khách, đạt 23,7% kế hoạch 2009 (giảm gần 5% so với cùng kỳ 2008). Nhờ tăng thêm nhiều chuyến bay vào dịp Tết Kỷ Sửu nên số khách nội địa lên đến 1.398.560 lượt, tăng hơn 1% và đạt gần 24% kế hoạch năm nhưng số khách bay quốc tế giảm gần 9%, chỉ đạt 866.970 hành khách.

Bây giờ Vietnam Airlines là thành viên của Hiệp hội các hãng vận tải hàng không Quốc tế (IATA) và cũng là một trong số 17 hãng thành viên của Hiệp hội các hãng hàng không Châu Á - Thái Bình Dương (AAPA). Trong thời gian gần đây trung bình mỗi năm các thành viên AAPA vận chuyển 290 triệu hành khách (bằng 1/5 tổng lượng hành khách vận chuyển bằng đường hàng không toàn cầu) và 10 triệu tấn hàng hoá (bằng 1/3 tổng lượng cargo vận chuyển).

Vậy mà vào ngày 24/4 qua, AAPA thông báo rằng quý 1/2009, các hãng thành viên cộng chung vận chuyển 32.639.000 hành khách, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2008. Đáng báo động hơn là lượng cargo vận chuyển đã giảm đến 25%.

Bốn ngày sau, đến lượt Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) thông báo lượng hành khách trong tháng 3/2009 giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đã giảm cung tải khoảng 4,4% nên các hãng bay mới có thể đạt tỷ số ghế sử dụng 72,1%, tức giảm 5,5 điểm phần trăm so với tháng 3/2008.

Tin vui đến sau 

Theo báo cáo mới nhất về những xu thế lữ hành thế giới của IPK International thì giới kinh doanh du lịch, lữ hành có lý do để vui vẻ lạc quan. Sau khi tiến hành phỏng vấn 500.000 người ở 58 nước trên thế giới và kết hợp với những số liệu thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO), IPK International chính thức đưa ra dự báo rằng: Trong những tháng năm tới đây, khi suy thoái kinh tế thế giới càng ở mức độ cao thì ngành du lịch châu Á sẽ càng phát triển mạnh theo hướng “khu vực hóa”. Có nghĩa là sẽ còn nhiều người châu Á lên đường đi du lịch các nước trong cùng châu Á thay vì bay đi xa khám phá châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông...
Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng những thị trường châu Á lâu nay nổi tiếng xuất khẩu nhiều du khách, cụ thể là Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan, sẽ tiếp tục trải qua nhiều thử thách lớn nên lượng khách từ những nơi này sẽ giảm, thời gian du lịch nước ngoài và chi tiêu của du khách thuộc hai thị trường này cũng sẽ thấp hơn trước. Hiện nay chỉ còn hai nguồn khách dồi dào có khả năng sẽ tiếp tục phát triển khá là Trung Quốc và Ấn Độ.

Lý do thứ hai để giới kinh doanh du lịch/lữ hành tin tưởng lạc quan hơn vào tương lai đến từ một báo cáo mới đây nhất của Hiệp hội Lữ hành Châu Á - Thái Bình Dương (PATA). Theo tổ chức ngành nghề này thì ngành công nghiệp không khói châu Á có thể sẽ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới hiện nay hơn so với khu vực khác. PATA dự kiến từ nay đến năm 2011, tăng trưởng về lượng du khách ở khu vực này sẽ ở mức trung bình 4,2% mỗi năm và nhấn mạnh rằng ngành du lịch châu Á sẽ sớm hồi phục vào cuối năm 2009 (tăng 3,5% cho cả năm) hoặc đầu năm 2010.

PATA cho biết so với lần khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 thì trong năm 2008 tổng lượng du khách toàn cầu đã tăng 1/3 và đạt con số 924 triệu. Nhưng trong khoảng thời gian này lượng du khách đến với các nước châu Á - Thái Bình Dương đã tăng gần gấp đôi, đạt 385 triệu vào năm ngoái.

Nếu tiếp tục phát triển theo xu thế này, lượng khách quốc tế đi du lịch các nước Đông Nam Á sẽ từ con số 62,2 triệu vào năm 2007 tăng lên gần 77 triệu vào năm 2011. Các thị trường Đông Bắc Á cũng sẽ thấy lượng du khách đến tăng cao ở mức hai con số - đặc biệt là du lịch Mông Cổ và Macau - đạt 240 triệu vào năm 2011, cao hơn 34 triệu khách so với năm 2007. Và các nước Nam Á sẽ đón khoảng 9 triệu khách vào năm 2011, tăng 1,6 triệu khách so với năm 2007.

Nội vùng chú trọng 

Thực tế hiện nay cho thấy có nhiều khả năng du lịch liên châu Á sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới vì ngày càng có nhiều chính phủ bật đèn xanh cho các hãng hàng không khu vực được phép bay đến nhiều địa điểm ở châu Á.

Chẳng hạn, từ đầu tháng 4/2009, AirAsia X đã mở đường bay nối liền Kuala Lumpur với một số thành phố lớn ở Trung Quốc.
Gần đây hơn, chính quyền Singapore đã đồng ý cho hãng vé rẻ Jetstar Asia được mở các đường bay từ Singapore đến hai địa điểm du lịch nổi tiếng ở Malaysia là Langkawi và Penang.

Trong suốt một thời gian rất dài, các đường bay nối liền hai nước láng giềng Singapore, Malaysia là thị trường độc quyền khai thác của hai hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines (SIA) và Malaysia Airlines (MAS). Bây giờ, bầu trời ASEAN đã có thêm AirAsia, Silk Air, Tiger Airways và Jetstar Asia và sắp tới đây là Firefly, một hãng vé rẻ trực thuộc MAS.

Mấy năm qua, Việt Nam cùng với Lào, Myanmar và Campuchia đã áp dụng chương trình Mở rộng bầu trời ASEAN nhưng do khối lượng hành khách ở thị trường vận tải giữa 4 nước còn khiêm tốn nên hiệu quả kinh tế chưa được như ý. Kể từ tháng 11/2004 nên Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận thêm nhiều hãng bay của khu vực này. Những hãng hàng không của ASEAN và những hãng thuộc khu vực Bắc và Đông Á hội đủ các điều kiện bay an toàn sẽ được chào đón đến Nội Bài và sân bay quốc tế Đà Nẵng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sẽ có bùng nổ du lịch liên châu Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO