London mời gọi

THƯ TRẦN| 05/06/2009 00:43

Thăm thủ đô nước Anh, du khách không phải hát quốc ca Anh “God save the Queen” (Thượng đế bảo vệ Nữ hoàng) nhưng chắc sẽ khó mà “save a few pounds” (tiết kiệm vài đồng bảng Anh) vì London có nhiều địa danh rất hấp dẫn.

London mời gọi

Thăm thủ đô nước Anh, du khách không phải hát quốc ca Anh “God save the Queen” (Thượng đế bảo vệ Nữ hoàng) nhưng chắc sẽ khó mà “save a few pounds” (tiết kiệm vài đồng bảng Anh) vì London có nhiều địa danh rất hấp dẫn.

Nổi tiếng nhất là “tứ quý” đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, gồm pháo đài cổ Tower of London, quận Greenwich ở bên bờ sông Thames (địa điểm xuất phát của giờ GMT - Greenwich Mean Time), vườn bách thảo Royal Botanic Garden Kew với tên gọi quen thuộc hơn là Kew Gardens và cụm dinh thự, giáo đường Palace of Westminster, Westminster Abbey, St. Margaret’s Church.

Ai thích ngắm cây xanh, hoa tươi thì năm nay đúng là thời điểm lý tưởng để thăm vườn bách thảo Kew Gardens - thành lập cách nay 250 năm - hiện là nơi trồng hơn 30.000 giống thảo mộc và là nơi bảo quản đông lạnh tế bào của hơn 7 triệu giống cây khác. Tuy nhiên, một trong những điểm tham quan phải đến trước nhất là cây cầu Tower Bridge (nhiều người gọi nhầm là cầu London Bridge).

Cầu Tower Bridge

Về mặt kiến trúc, có thể nói rằng London Bridge (xây dựng xong năm 1973) không có gì đáng kể cho lắm, ngoại trừ nó là “hậu duệ” của một trong những cây cầu gỗ đầu tiên đã dựng lên ở London cách nay gần 2.000 năm. Còn cầu Tower Bridge, hoàn tất năm
1894, thì rất “hoành tráng” với kiểu thức xây dựng đẹp và tiện ích ở chỗ có thể kéo hai thành phần lên để cho tàu bè qua lại đến tận khu vực cầu London Bridge.

Thời xưa, đoạn sông Thames nằm giữa hai cây cầu này được gọi là “Cái hồ London”. Gọi là cầu Tower Bridge là vì nó ở rất gần một di tích lịch sử văn hóa Anh: London Tower. Đây là một pháo đài nghiêm mật - nội bất xuất ngoại bất nhập - nơi giam cầm và
xử tử những chính khách chống lại triều đình, những tu sĩ và giáo dân bị kết tội phản nghịch Anh giáo dưới thời vua Henri VIII. Muốn biết rõ lịch sữ pháo đài, bạn nên bám theo Yeoman warder. Ông ta là một trong những lính canh của London Tower mà thời xưa gọi là Beefater (người ăn thịt bò) nay kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn
khách tham quan.

Đúng như tên gọi “Yeoman”, ông là một lính canh có giọng nói oang oang như loa phóng thanh. London Tower còn là nơi cất giữ rất nhiều kim cương, đá quý và đủ các loại vật phẩm biểu trưng cho vương quyền của nhà Tudor (1485 - 1603) và nhà Windsor (từ
1917 đến nay), trong đó có cả Koh-I-Noor, viên kim cương lớn nhất thế giới (105 carat, 21,6 gram).

Một di tích cổ rất đồ sộ, nguy nga và vẫn còn “hoạt động tốt” là đại giáo đường Westminster, ở phía tây Cung điện Westminster. Thực ra tên đầy đủ của kiến trúc gô-tích này là The Collegiate Church of St Peter at Westminster, nhưng mọi người đã quen gọi nó là Westminster Abbey. Đây là nơi diễn ra lễ đăng quang của các vua, nữ hoàng và cũng là nơi an táng họ.

Du khách có thể shopping mệt nghỉ trong Harrods, một cửa hàng bách hóa được mệnh danh “Đủ loại hàng cho mọi người ở mọi nơi”, với hơn 750 gian hàng trải trên diện tích 90.000m2. Ngoài ra, đường Oxford nối dài với đường New Oxford cũng là nơi tập trung của đủ các loại shop, đặc biệt là trung tâm bách hóa Selfridges với diện tích bán hàng 50.000m2. Rẽ phải sang đường Regent, đi vài trăm mét, du khách gặp Hamleys Toy Store, cửa hàng đồ chơi lớn nhất thế giới!

Cung điện Buckingham

Ai thích xem kịch thì đừng bỏ qua cơ hội vì London, dù trong thời kinh tế suy thoái, vẫn là một “kinh đô” của kịch nghệ. Nhưng giá vé xem kịch hay biểu diễn trong khu West End có thể làm cái bóp tiền của bạn nhẹ hẳn đi đấy. Nhưng những ai thích đồ cổ quý giá thì
tha hồ đến ngắm trong các bảo tàng lừng danh thế giới British Museum (Bảo tàng Anh), Science Museum (Bảo tàng Khoa học), Natural History Museum (Bảo tàng Sinh học và Địa chất học), Victoria & Albert Museum (Bảo tàng Thời trang và Thiết kế)... vì hầu hết các nơi này đều mở cửa miễn phí.

Và cũng không phải mất tiền khi vào ngồi trong tòa nhà quốc hội Parliament với tháp đồng hồ nổi tiếng Big Ben để nghe các nhà làm luật Anh tranh cãi. Khi đã mệt, du khách tạt vào một cái “pub”, gọi một “pint” bia (khoảng 568ml), một đĩa “fish and chip” (cá chiên và khoai tây chiên) vừa no bụng mà giá cả lại phải chăng.

London còn mời gọi du khách đến tham quan hệ thống các trường đại học nổi tiếng thế giới. Riêng University of London, một trong
những trường đại học lớn nhất châu Âu, có hơn 120.000 sinh viên theo học ở 19 “colleges” và “institutes”. Những “colleges” lớn và nổi tiếng nhất gồm có King's College London, University College London, Birkbeck, Queen Mary, London School of Economics and
Political Science, Royal Holloway, Goldsmiths và Institute of Education.

Do London là điểm tập trung tổng hành dinh của hàng trăm tập đoàn đa quốc gia, ngân hàng, tổ chức kinh tế, tài chính... nên các trường chuyên về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng ở đây cũng rất có uy tín. Đó là The London Business School, London School of Economics... Đặc biệt, cách thủ đô không xa, ở thị trấn Stratfordupon- Avon có một căn nhà mà mỗi năm thu hút đến ba triệu du khách vì đó là nơi chào đời của đại văn hào Shakespeare.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
London mời gọi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO