“Kho báu” từ những người thay đổi thế giới

KIM NGỌC| 10/01/2019 00:05

Họ đã làm gì để thay đổi thế giới? là câu chuyện về 25 doanh chủ vĩ đại của thế giới.

“Kho báu” từ những người thay đổi thế giới

Ý chí, nghị lực, sự kiên cường và nhân cách là những tính cách đó đã góp phần đưa tên tuổi của họ lưu danh trên thế giới. Và điều quan trọng nhất - các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, dù ít hay nhiều, đã thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta. Họ là những người đã thay đổi cách chúng ta sống và nghĩ, cách chúng ta làm việc và giải trí, cách chúng ta nhìn nhận về thế giới.

25 câu chuyện của 25 doanh chủ vĩ đại

John A.Byrne tác giả World Changers

John A.Burne - tác giả của Họ đã làm gì để thay đổi thế giới? là Chủ tịch kiêm Tổng biên tập C-Change Media Inc., một tập đoàn truyền thông khởi nghiệp từ việc xây dựng mạng lưới trang web cho cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Trước đó, ông từng là Tổng biên tập Businessweek.com và tạp chí BusinessWeek.

Họ đã làm gì để thay đổi thế giới? là tập hợp những cuộc phỏng vấn của John A.Byrne với 25 doanh chủ vĩ đại của thế giới đương thời. Họ là:

John Mackey – nhà sáng lập, CEO và Chủ tịch chuỗi siêu thị Whole Foods Market
Athur Blank và Bernie Marcus – đồng sáng lập The Home Depot
Reed Hastings – đồng sáng lập, CEO của Netflix
Howard Schultz – Chủ tịch, CEO của Starbucks
Jeff Bezos – nhà sáng lập, CEO của Amazon
Herb Kelleher – nhà sáng lập, cựu CEO của hãng Hàng không Southwest
Steve Jobs – nhà sáng lập, cựu CEO của Apple
Herb Kohler Jr. – Chủ tịch Công ty Kohler
Dan Lufkin – đồng sáng lập Ngân hàng đầu tư Donaldson, Lufkin & Jenrette
Michael Dell – nhà sáng lập, CEO của Tập đoàn Dell
Reid Hoffman - đồng sáng lập, Chủ tịch điều hành trang mạng xã hội LinkedIn
Bill Gates – đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft
Sir Richard Branson – nhà sáng lập Tập đoàn Virgin
Oprah Winfrey – Chủ tịch, CEO của Công ty Harpo
Red Turner – nhà sáng lập kênh truyền hình Turner (TBS)
Fred Smith – Chủ tịch, CEO của Tập đoàn Federal Express (FedEx)
Narayana Murthy – Chủ tịch, CEO của Infosys
Larry Page và Sergey Brin – đồng sáng lập Goolge
Charles Schwab – nhà sáng lập Tập đoàn Charles Schwab
Muhammad Yunus – nhà sáng lập Ngân hàng Grameen
Ratan Tata – cựu Chủ tịch Tập đoàn Tata
Phil Knight – đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT của Nike
Carlos Arthur Nuzman – Chủ tịch Ủy ban Olympic 2016 - Rio De Janeiro
Mark Zuckerberg – nhà sáng lập, CEO của Facebook
Eike Batista – nhà sáng lập, CEO Tập đoàn EBX

Qua những cuộc trò chuyện - mà nhiều khi phải rất khó khăn mới sắp xếp được vì hầu hết các doanh nhân này là những người cực kỳ bận rộn, không ít trường hợp phải đặt lịch hẹn trước cả năm - John A.Byrne cho biết, có 3 phẩm chất cốt lõi mà doanh chủ nào cũng có:

25 câu chuyện của 25 doanh chủ vĩ đại

Nguyên tác: World Changers - Bản quyền tiếng Việt: ThaihaBooks


1/ Tinh thần lạc quan

Khi người khác nhìn thấy trở ngại và hỗn loạn thì doanh chủ lại nhìn thấy cơ hội. Có thể đó là kiểu suy nghĩ đơn giản, thậm chí lãng mạn của những kẻ khởi nghiệp. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp vĩ đại đã được tạo ra bởi những người có khả năng nhìn ra cơ hội trong một thị trường đông đúc và hỗn loạn.

Việc tổ chức một khối lượng thông tin lớn của thế giới là một thử thách trí tuệ lớn lao, đồng thời là cơ hội kỳ diệu dành cho Larry Page và Sergey Brin (hai nhà đồng sáng lập Google). Mặc dù vào thời điểm đó, họ không hình dung ra bằng cách nào một công cụ tìm kiếm lại có thể đẻ ra tiền.

Tốc độ phát triển thần kỳ của internet đã khiến Jeff  Bezos từ bỏ công việc ở New York, chuyển tới vùng ngoại ô của Seattle và xây dựng Amazon.com trong một gara xe. Sau đó, ông lập tức nắm lấy cơ hội sử dụng công nghệ internet để cung cấp cho khách hàng hàng loạt lựa chọn đa dạng cho mỗi sản phẩm với mức giá rẻ nhất có thể.

2/ Chấp nhận rủi ro và khả năng thất bại

Các doanh chủ sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn hầu hết các kiểu doanh nhân khác, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ là những kẻ liều lĩnh hay ngô nghê, không nhìn ra khả năng thất bại. Trong hầu hết các trường hợp, doanh chủ đều tính toán rất kỹ các rủi ro. Họ rất thận trọng và luôn đảm bảo rằng bản thân đã đánh giá cả cơ hội và các rủi ro mà doanh nghiệp của mình sẽ phải đối mặt một cách cẩn thận.

Reed Bastings – đồng sáng lập Netflix là một người như vậy. Một mặt, ông nhận thấy internet có khả năng thay đổi tất cả và có đủ sức để thách thức người khổng lồ Blockbuster trong thị trường cho thuê băng, đĩa thu hình. Mặt khác, Hastings cũng hiểu rằng mô hình mà ông đang ấp ủ sẽ nhanh chóng bị hạ bệ bởi một công nghệ đột phá khác – đó là sự phổ biến của kết nối băng thông rộng. Vì vậy, ngay từ đầu, khi mới chỉ bắt đầu mô hình kinh doanh bán đĩa DVD qua đường bưu điện, Hastings đã suy nghĩ và đầu tư vào công nghệ để truyền tải các đoạn phim qua mạng. Đó là lý do vì sao ông đặt tên công ty của mình là Netflix chứ không phải là DVD-by-mail. Điều này cho thấy ông đã đánh giá kỹ lưỡng những rủi ro công ty sẽ phải đối mặt từ rất sớm, trước khi người khác nhận ra chúng.

Các doanh chủ luôn sẵn sàng đón nhận mọi rủi ro đi kèm với việc sáng tạo ra những thứ mới mẻ và họ cũng chấp nhận cả khả năng chính họ đã sai, có khi là những sai sót “chết người”. Vì vậy, họ sẵn sàng giảm chi phí đầu tư vào các quyết định ở một mức độ nhất định để tránh tình trạng đầu tư quá lớn đến mức chính họ không còn cơ hội sửa chữa hoặc đảo ngược tình thế.

Herb Kelleher - nhà sáng lập Hãng hàng không Tây Nam (Southwest Aielines), lưu ý rằng bạn không bao giờ có được sự hiểu biết tuyệt đối để đưa ra một quyết định. Ông chia sẻ: “Khi tôi đưa ra một nhận định, bản thân tôi đã chấp nhận rủi ro rồi. Nhưng bạn phải sẵn sàng để đón nhận những rủi ro này. Bạn phải có sự chuẩn bị khi đưa ra các nhận định. Phải chuẩn bị để sẵn sàng tiến lên. Phải chuẩn bị để có thể nhanh chóng sửa chữa những lỗi mình mắc phải; cần phải tránh những sai lầm vì tính tự mãn”.

Sai lầm sẽ dẫn đến thất bại, thậm chí là những thất bại nghiêm trọng có thể làm một doanh nghiệp non trẻ sụp đổ. Nhưng một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa tinh thần doanh chủ Mỹ với hầu hết nơi khác trên thế giới là sự cởi mở với thất bại. Trong thế giới của những nhà tư bản đầu tư mạo hiểm, thất bại còn được xem là tấm huy chương danh dự. Bài học từ những thất bại của buổi đầu khởi nghiệp là những kinh nghiệm quan trọng cho thành công trong tương lai. Và các doanh chủ cũng quan niệm như thế.

Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos từng nói: “Điều nguy hiểm là bạn không chịu phát triển, không cải tiến, không sáng tạo, không mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Nếu bạn sáng tạo trong những lĩnh vực mới, bạn phải chuẩn bị tinh thần cho các thất bại liên tiếp. Thất bại là một phần của sáng tạo và phát minh. Nếu bạn biết chắc ý tưởng của bạn khả thi thì nó không còn là một thí nghiệm nữa. Amazon.com ban đầu cũng chỉ là một thử nghiệm lớn mà thôi”.

3/ Sự độc lập và tự chủ

Hầu hết mọi người đều muốn có sự độc lập và tự chủ trong cuộc đời mình. Nhưng với các doanh chủ, độc lập và tự chủ không chỉ là ham muốn mà còn là một nhu cầu. Những người sáng lập doanh nghiệp có động lực và lòng can đảm để hành động dựa trên nhu cầu này theo những cách mà người khác không bao giờ làm. Hơn thế nữa, họ luôn hành động với lòng kiên định và sự hối hả trong một thời gian dài.

Các doanh chủ sống với những điều họ tin tưởng, tạo dựng thành công dựa trên hệ thống giá trị và văn hóa mạnh mẽ. Họ tìm kiếm các thi trường ngách và các lỗ hổng thị trường. Họ là kiến trúc sư của một tầm nhìn duy nhất khiến họ đam mê và theo đuổi. Họ không phải là những người chạy theo số đông, nhưng là những thành viên nhóm tích cực. Họ có tham vọng tạo dựng mạng lưới, xây dựng một hệ thống tài chính, nhân sự và đội ngũ kỹ thuật thân thiện.

Cuối cùng, mỗi doanh chủ đều đã phải trải qua hàng loạt giai đoạn trong hoạt động knh doanh. Họ đối mặt với những thách thức mà bất kỳ tổ chức thành công nào cũng phải trải qua. Trong những ngày đầu tiên, thách thức gặp phải thường là tiếp cận vốn, tìm người hướng dẫn và tạo dựng quan hệ. Trong giai đoạn phát triển, thách thức hàng đầu là cân bằng giữa tinh thần làm chủ với nhu cầu xây dựng quy trình cũng như sự kiểm soát trong tổ chức.

Pinelli, người giám sát cuộc thi Doanh chủ của năm do E&Y tổ chức chia sẻ về điều này: “Ở giai đoạn phát triển, hầu hết các doanh chủ đều đối mặt với khả năng đánh mất người tài. Đội ngũ tài chính và pháp lý có thể trở thành những người ngăn cản tốc độ phát triển kinh doanh. Đội ngũ kinh doanh và kỹ thuật lại tranh cãi với nhau về những điều khách hàng thực sự muốn. Nếu bạn không có một người lãnh đạo giỏi để quản lý những việc này thì tình trạng mất kiểm soát sẽ nhanh chóng xảy ra”.

Những người xây dựng doanh nghiệp xuất sắc này sẽ mang đến cho chúng ta một kho báu tri thức: Phương pháp để nắm bắt cơ hội, xây dựng các công ty có ý nghĩa quan trọng và tồn tại bền vững, dẫn dắt con người, suy nghĩ sáng tạo và vượt qua các chướng ngại vật. Tất cả doanh chủ tài ba này đều biết cách để giành chiến thắng. Và tất cả họ đều là những người chiến thắng.

Họ đã làm gì để thay đổi thế giới? là một kho tư liệu về tinh thần doanh nhân, là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Kho báu” từ những người thay đổi thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO