Kỹ năng sống: Cách để tiếp nhận và xử lý những tác động tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày

Lâm Nghi| 07/01/2022 07:00

Để có thể đối diện và xử lý được những tình huống khó khăn do những điều tiêu cực trong cuộc sống gây nên, trước tiên bạn cần loại bỏ cảm xúc tiêu cực trong chính mình. Bạn cần có sự điềm tĩnh.

Kỹ năng sống: Cách để tiếp nhận và xử lý những tác động tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày

Điềm tĩnh là khả năng tiếp nhận những điều tiêu cực một cách tích cực, tức không giận dữ. Karen Mariela Ramirez là giáo viên dạy yoga và là huấn luyện viên thiền định đến từ Costa Rica. Bằng kinh nghiệm hướng dẫn hơn 1.000 thiền sinh ở nhiều quốc gia trên thế giới, Karen Mariela Ramirez đã chia sẻ các cách thức để phát triển sự điềm tĩnh khi đối diện với những cảm xúc tiêu cực sinh ra từ những tác động tiêu cực trong cuộc sống.

Vì sao chúng ta lại mất điềm tĩnh?

Kẻ thù của sự điềm tĩnh là những cảm xúc tiêu cực, như giận dữ và ghét bỏ, những điều mang đến trạng thái đau khổ. Những cảm xúc tiêu cực này được hình thành trong tâm trí vì tâm trí như miếng bọt biển, thấm hút cả những điều tiêu cực lẫn tích cực. Song, điều đáng tiếc là tâm trí có xu hướng hấp thụ các cảm giác tiêu cực nhanh hơn tích cực.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta tiếp nhận trong vô thức rất nhiều thông tin tiêu cực, như mất mát do chiến tranh, sự thù ghét lẫn nhau, chủ nghĩa tiêu thụ, nhu cầu phải có thêm một điều gì đó... Nếu ví tâm trí như ly nước lọc và từng thông điệp hỗn độn đó là một giọt mực rơi vào ly nước, thì đến cuối ngày, "ly nước" của chúng ta đều có thể trở nên đục ngầu. Khi  đó, nếu một tình huống khó khăn nào xảy đến, chúng ta sẽ có xu hướng phản ứng với sự giận dữ và căm ghét.

Nếu điều gì đó xảy ra không như ý muốn, tôi trở nên tức giận...

Khi ai đó nói hay làm điều gì tôi không thích, tôi cũng tức giận...

Khi mọi chuyện không xảy ra như tôi kỳ vọng, tôi cũng tức giận...

Link bài viết

Nếu phân tích các tình huống phổ biến trên, luôn có "điều gì đó" hay "ai đó" lấy đi sự bình yên hay sự điềm tĩnh của chúng ta. Nếu chúng ta để mọi chuyện xảy ra bên ngoài tác động đến mình, chúng ta sẽ chìm trong cơn đau khổ vì những tác động không ngừng ấy. Chúng ta có thể trở nên quá thất vọng với cuộc sống này đến mức muốn tìm quên trong một điều gì khác. Và đôi khi, chúng ta không biết điều mình mong muốn là gì.

Như chuyên gia tâm lý người Chile, Claudio Naranjo đã nói: "Mọi người thấy khó có thể hạnh phúc là vì họ nghĩ rằng họ phải hạnh phúc với mọi người, mọi điều xung quanh; hoặc là hạnh phúc hoặc không. Chúng ta đã mong đợi quá nhiều vào hạnh phúc nên chúng ta khó mà hạnh phúc được. Kỳ thực, chúng ta cần nhận ra hạnh phúc là sự thanh thản. Và trạng thái thanh thản chỉ xuất hiện với những người được đi trên con đường họ lựa chọn".

Để chấm dứt các cảm giác đau khổ do giận dữ hay ghét bỏ gây lên, chúng ta cần thay đổi những ham muốn của chính mình. Những ham muốn là một phần gốc rễ gây ra đau khổ. Và những ham muốn không kiểm soát được sẽ có thể dẫn chúng ta đến điểm bế tắc trong cuộc sống. Mọi người làm tổn thương nhau, tự dằn vặt, hoặc chìm trong trầm cảm, lo lắng và cuối cùng đánh mất sự điềm tĩnh.

Song, đây mới là điều quan trọng, không phải mọi cơn đau đều tệ. Những va đập mỗi ngày tác động đến cơ thể và cảm xúc của chúng ta lại chính là điều kiện giúp chúng ta có cơ hội nuôi dưỡng sức chịu đựng để đối mặt với những biến động lớn lao hơn. Nếu chúng ta dần quen được với những thử thách mỗi ngày, chúng ta sẽ dần trở nên mạnh mẽ hơn. Đến một lúc, những va đập thường nhật sẽ trở nên dễ dàng để xử lý hơn.

Làm sao để nuôi dưỡng sự điềm tĩnh?

Một trong những cách hiệu quả để nuôi dưỡng sự điềm tĩnh chính là tin tưởng. Tin rằng mọi chuyện cần đến đều đang xảy đến với chúng ta, đúng lúc, đúng cách. Chúng ta không cần nỗ lực để buộc sự việc diễn ra nhanh hay chậm hơn. Đây gọi là "điềm tĩnh đón chờ".

Nếu trở về với hình dung về ly nước tâm trí, nếu chúng ta để yên cho những giọt mực lắng xuống, chúng ta có thể nhìn thấu qua chiếc ly và lựa chọn những cách phản ứng phù hợp với những thử thách của cuộc sống, thay vì trở nên giận dữ khuấy đảo ly nước.

Vì vài lý do nào đó, con người luôn có nhu cầu kiểm soát mọi thứ, trong đó có cả người khác. Điều này vốn dĩ là bất khả thi. Chính sự tréo ngoe này đã tạo nên những cơn thất vọng lớn lao, vì cuộc sống không bao giờ diễn ra đúng như chúng ta mong đợi.

Một trong những cách tốt nhất để nuôi dưỡng trạng thái điềm nhiên chính là thực hành chánh niệm. Thiền định là bài tập dành cho tâm trí, nơi khởi nguồn của những cảm xúc tiêu cực lẫn khát khao khó kiểm soát. Thiền định cho phép chúng ta:

- Học cách xử lý những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình

- Kết nối với bình an nội tâm

- Dọn dẹp những ý nghĩ gây vẩn đục tâm trí

- Kiểm soát các ham muốn

- Chấp nhận bản chất của thế giới là không thể bị kiểm soát

Sau khi nhận ra nguồn gốc của sự mất bình tĩnh và hiểu rằng chúng ta có thể kiểm soát ham muốn của chính mình để ngưng đau khổ, chúng ta có thể bắt đầu chuyển hướng nuôi dưỡng một tâm trí bình yên. Mỗi ngày, hãy hướng về những niềm vui có tính chất thuận theo tự nhiên, chúng ta sẽ dần rời xa thói quen tiếp nhận các suy nghĩ tiêu cực trước kia. Dần dần, chúng ta có thể điềm nhiên đón nhận những thay đổi của cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỹ năng sống: Cách để tiếp nhận và xử lý những tác động tiêu cực trong cuộc sống hằng ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO